(HNM) - Hà Nội hiện có 1.472 hợp tác xã (HTX), 98 quỹ tín dụng nhân dân. Mặc dù phải chịu những tác động không nhỏ trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường và quá trình đô thị hóa, nhưng nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đồng thời tìm cơ hội mới để phát triển.
Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại HTX Công nghiệp Song Long. Ảnh: Trung Kiên
Là một đơn vị tiêu biểu của quận Hoàn Kiếm, HTX Xây dựng 367 đã đạt được những thành tích khá ấn tượng. 6 tháng đầu năm 2010, doanh thu HTX đạt khoảng 14,2 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng, thu nhập bình quân của xã viên đạt 4 triệu đồng/tháng. Mới đây, HTX còn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mua thiết bị thi công xây dựng nhằm nâng cao chất lượng. Những kết quả của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Triều Khúc (Thanh Trì) cũng khiến nhiều nơi mơ ước, với tổng thu 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 8,5 tỷ đồng, lợi nhuận 750 triệu đồng, giá trị vốn đầu tư mới 1,4 tỷ đồng... Bên cạnh việc phát triển kinh tế ổn định, bảo đảm đời sống cho người lao động, nhiều HTX còn là nhân tố quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm cho người dân trong những vùng quy hoạch khi thu hồi đất phục vụ đô thị hóa, như HTX Nông nghiệp Dương Liễu (Hoài Đức), HTX Nông nghiệp Mỹ Đình (Từ Liêm)... Các HTX này đã giúp xã viên phát triển chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh, sản xuất rau an toàn... Nhiều mô hình HTX còn được xây dựng nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết của từng địa phương, cộng đồng dân cư, như các HTX dịch vụ quản lý chợ, dịch vụ nhà ở, thu gom, xử lý rác thải, HTX trường học... Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít HTX yếu kém về tổ chức và hoạt động kinh tế, nhất là những HTX nông nghiệp, do thiếu đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn. Đa phần những đơn vị này hoạt động mang tính hình thức, quy mô vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ. Ban chủ nhiệm của những HTX này đã tỏ ra lúng túng trong xác định mô hình, phương thức hoạt động...
Theo các chuyên gia, để phát trển kinh tế HTX đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực nâng cao sức mạnh nội tại, mỗi HTX rất cần được sự hỗ trợ của các ngành chức năng nhằm phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường. Một trong những nhân tố cơ bản dẫn đến sự thành công và phát triển bền vững của các HTX là tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề. Đặc biệt, việc phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có thể hỗ trợ hoạt động thương mại gắn liền với việc cung cấp dịch vụ sẽ giúp các HTX nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thương trường... Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít HTX được hưởng lợi từ các chính sách hiện hành. Để chính sách hỗ trợ HTX thực sự thiết thực và đến được với các HTX, ngành chức năng cần rà soát những chính sách đã ban hành, nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện đặc thù của HTX trong nền kinh tế thị trường. Một số đơn vị đã đề xuất chính sách liên quan đến quyền lợi của các HTX, như cho phép để lại 100% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các HTX ở nông thôn; 50% đối với HTX phi nông nghiệp ở khu vực thành thị... Nếu việc đề xuất nói trên được thực hiện, khoản thuế được để lại sẽ là phần hỗ trợ đáng kể của Nhà nước giúp HTX mở rộng sản xuất, phát triển dịch vụ... Có chuyên gia cho rằng, cần bảo đảm mặt bằng cho các HTX ở nông thôn nhằm triển khai các hoạt động dịch vụ kinh tế, xã hội thông qua việc cấp hoặc giao đất. Bên cạnh đó, các HTX cũng cần thay đổi tư duy, chủ động trước những thách thức và cơ hội của thị trường.
Sớm làm được những việc nêu trên, kinh tế HTX sẽ phát triển bền vững, trên cơ sở đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.