Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần tạo dấu ấn diện mạo đô thị

Minh Tuấn| 30/04/2022 07:16

(HNM) - Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, một loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo dấu ấn mới về diện mạo của thành phố. Cùng với đó, tuyến đường Vành đai 3 đang được thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận sẵn sàng triển khai dự án khi được Quốc hội thông qua, với kỳ vọng sẽ ghi thêm dấu ấn đậm nét trong hành trình phát triển của mình.

Cầu Thủ Thiêm 2 được đưa vào sử dụng đã tạo điểm nhấn cho diện mạo đô thị thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều công trình mới

Ngày 28-4, cầu Thủ Thiêm 2 (còn gọi là cầu Ba Son) với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động sau 7 năm xây dựng, nối khu trung tâm quận 1 của thành phố Hồ Chí Minh với bán đảo Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). “Cây cầu dây văng tuyệt đẹp với trụ chính uốn cong như cánh cung, nổi bật trên nền sông Sài Gòn xanh mát, khiến khu trung tâm trở nên lung linh hơn”, ông Lê Nam Hải (ở đường Cao Bá Quát, phường Bến Nghé, quận 1) nhận xét khi dự lễ khánh thành cây cầu này.

Theo Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư), cầu Thủ Thiêm 2 dài hơn 1,4km, toàn bộ phần trụ tháp và hệ thống 56 dây văng kết nối với nhau theo hướng nghiêng về thành phố Thủ Đức. Trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, ngày 26-4, hai công trình tiêu biểu là đường song hành Võ Văn Kiệt và đường Đặng Thúc Vịnh cũng được đưa vào sử dụng. Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đường song hành Võ Văn Kiệt có chiều dài hơn 600m, rộng 7m, với kinh phí xây dựng 54 tỷ đồng. “Mức đầu tư tuy không lớn nhưng tuyến đường được đưa vào sử dụng giúp giải quyết tình trạng ùn ứ cho đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn trung tâm thành phố”, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Tiếp đó, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) được đầu tư gần 700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong dịp này. Đoạn nâng cấp dài hơn 5km, mở rộng mặt đường lên 30m. Dự án cũng làm đồng bộ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (chủ đầu tư) Lê Ngọc Hùng, tuyến đường thuộc trục kết nối thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương, Long An, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

Sẵn sàng làm đường Vành đai 3

Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác cũng đang chuẩn bị sẵn sàng triển khai dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường huyết mạch của cả vùng Đông Nam Bộ, có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của toàn vùng. Tuyến đường đi qua thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho hay, giai đoạn 1 của đường Vành đai 3 có chiều dài 76km, tổng kinh phí 75.377 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án xây dựng tuyến đường này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới. Nếu được thông qua, dự kiến tuyến đường khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2026.

 Các địa phương có tuyến đường đi qua đã sẵn sàng triển khai dự án. Cụ thể, ngày 25-4, HĐND tỉnh Bình Dương (khóa X) tổ chức kỳ họp thứ tư (chuyên đề) và thông qua tờ trình của UBND tỉnh về việc thống nhất thực hiện dự án đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, Bình Dương cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần qua địa bàn. Trường hợp dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư, tỉnh cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách với phần vốn tăng lên theo quy định.

Trước đó, ngày 7-4, tại kỳ họp thứ năm, HĐND thành phố Hồ Chí Minh (khóa X) thống nhất chủ trương bố trí vốn triển khai dự án. Tương tự, tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh Long An (khóa X) cũng thông qua nghị quyết về tuyến đường Vành đai 3. Long An sẽ bố trí hơn 1.050 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, tương ứng với 25% tổng mức đầu tư dự án...

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng, 4 địa phương đã thống nhất đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng. Trong đó, các địa phương đề xuất rà soát, thu hồi quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá. Nếu khai thác tốt thì các địa phương sẽ không thiếu vốn thực hiện dự án.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các địa phương đề xuất khai thác quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá là rất cần thiết. Đây là dự án vô cùng cấp thiết, tạo sự đột phá phát triển giao thông, giải quyết quá tải hạ tầng khu vực. Tuyến đường được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị vệ tinh, tạo sức bật cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần tạo dấu ấn diện mạo đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.