Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần tạo chuyển biến tích cực...

Nguyên Hoa| 27/06/2014 06:31

(HNM) - Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVI đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham luận bổ sung vào Báo cáo chính trị của đại hội và nêu những kinh nghiệm quý trong triển khai các mặt công tác, các phong trào. Báo Hànộimới trích đăng tham luận của các đại biểu.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng Ngô Thị Ngọc Bích:
Phát huy hơn nữa vai trò phản biện

Hai Bà Trưng là quận lõi của Thủ đô, đang trong quá trình đô thị hóa, mật độ dân cư cao, có 20 phường với 216 ban công tác Mặt trận. Hằng năm, MTTQ quận đều xây dựng chương trình phối hợp công tác giữa thường trực HĐND, UBND và MTTQ quận, trong đó có nội dung phối hợp thực hiện công tác phản biện xã hội. Thời gian triển khai thực hiện công tác phản biện xã hội tuy chưa nhiều, kết quả đạt được mới chỉ bước đầu, nhưng qua thực tế triển khai tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần khẳng định vai trò của MTTQ tham gia xây dựng chính quyền; nâng cao chất lượng các quyết sách; đồng thời tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Anh Đỗ Ngọc Bích:
Tích cực vận động nhân dân thực hiện tang văn minh, tiến bộ

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Huyện ủy Đông Anh đã thống nhất đẩy mạnh việc thực hiện tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn. Khi được huyện giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương này, MTTQ huyện đã chọn đối tượng là người cao tuổi để tập trung tuyên truyền. Ban công tác Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với ban đại diện hội người cao tuổi đến các khu dân cư để tuyên truyền. Ngoài ra, MTTQ huyện cùng các ngành chức năng đã mời các nhà khoa học, các giáo sư chuyên nghiên cứu về văn hóa và các nhà sư có uy tín về nói chuyện với nhân dân để người dân hiểu và thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ.

Với phương pháp và hình thức triển khai nêu trên, trong 5 năm qua việc giảm cỗ trong ngày tang và các ngày tuần tiết đã có chuyển biến rõ nét, các thủ tục lạc hậu như xem giờ, xem ngày, khóc mướn, lăn đường, bắc cầu… cơ bản được xóa bỏ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng Đặng Văn Hội:
Chung sức xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố từ cuối năm 2009, MTTQ huyện đã chủ trì phối hợp cùng với các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới"; tham mưu giúp Huyện ủy tổ chức tốt hội thi "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" cấp huyện với 15/15 xã tham gia. Bên cạnh đó, MTTQ còn vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất mở đường, trong đó chú trọng vào xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, đường làng, ngõ xóm.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì Phùng Huy Hiền:
Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc

Huyện Ba Vì có 7 xã vùng núi, với 22.000 đồng bào dân tộc Mường, Dao cùng chung sống với đồng bào Kinh. Đặc điểm trên là điều kiện thuận lợi để huyện Ba Vì phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước hết, để đồng bào tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết, huyện Ba Vì đã có nhiều giải pháp để xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào. Mặt trận và các đoàn thể từ huyện xuống xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước với nhiều mô hình khác nhau phù hợp với từng đặc điểm của khu dân cư và vận động đồng bào tham gia xây dựng khối đại đoàn kết. Trong 7 xã miền núi có 11.270 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 80,5%); có 29/73 làng được công nhận làng văn hóa.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Bùi Văn Mạ:
Góp phần thực hiện tốt các cuộc vận động

Xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) có 3.122 hộ với 12.328 nhân khẩu, nhân dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Hội nghị đại biểu nhân dân ở Đa Tốn tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, từ đó đến nay xã duy trì đều đặn hội nghị hằng năm ở khu dân cư và được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Để hội nghị đại biểu nhân dân đạt hiệu quả cao, MTTQ xã Đa Tốn đã phối hợp với UBND xã chủ động bám sát sự chỉ đạo của UBND - MTTQ huyện, căn cứ nhiệm vụ cụ thể của xã, chủ đề từng năm để xây dựng kế hoạch liên tịch, hướng dẫn, tổ chức hội nghị. Đặc biệt từ năm 2011, xã Đa Tốn định hướng trọng tâm gắn nội dung bàn xây dựng đời sống văn hóa với việc xây dựng nông thôn mới. Việc tổ chức thực hiện nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân của xã Đa Tốn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kinh tế ngày càng phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần tạo chuyển biến tích cực...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.