Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần phát triển du lịch bền vững

Lâm Vũ| 19/05/2017 06:53

(HNM) - Để ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững thì vấn đề môi trường cũng cần được giải quyết một cách nghiêm túc...

Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, để lại nhiều dấu ấn với khách du lịch. Ảnh: Nhật Nam


- Ông có thể cho biết những nét khái quát về Đề án 100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách?

- Hà Nội đang hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Không chỉ các cấp, các ngành mà mỗi người dân đều nhận thức được vai trò quan trọng của phát triển bền vững, trong đó có du lịch bền vững. Hơn nữa, du lịch đang nỗ lực tạo các bước đột phá nhằm thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế - xã hội của Thủ đô. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thu hút khách du lịch như chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên toàn thành phố (trong 5 năm tới); cơ giới hóa việc thu gom và vận chuyển rác thải; nâng cao chất lượng nguồn nước; kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức ra quân bảo đảm trật tự giao thông đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; quy hoạch hệ thống biển hiệu quảng cáo; xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng… bước đầu đã có hiệu quả nhất định.

Đề án 100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách do Công ty cổ phần Truyền thông Minh đề xuất, thực hiện theo phương thức xã hội hóa cũng nằm trong chuỗi các giải pháp tổng thể trên. Đề án hướng tới ý tưởng làm đẹp 100 tuyến phố khu vực nội đô theo các phong cách khác nhau, bảo đảm không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi nét văn hóa, kiến trúc truyền thống vốn có của mỗi tuyến phố và góp phần nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Công ty cổ phần Truyền thông Minh bổ sung, hoàn thiện nội dung đề án theo quy định.

Mục tiêu của đề án là xây dựng những con đường được phủ ba tầng cây xanh với bốn mùa hoa, bảo đảm môi trường bóng mát; trang hoàng bằng ánh sáng trang trí, đèn đường theo phương thức mỗi tuyến phố một câu chuyện; nghệ thuật hóa vỉa hè hai bên phố bằng các sản phẩm phù hợp như gốm, sứ, tượng, tranh, phù hợp với đặc trưng riêng của từng góc phố, con đường; hướng tới phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch một cách tốt nhất.

- Vậy thưa ông, bao giờ thì đề án nói trên được thực hiện?

- Dự kiến, đề án này sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 và 2018. Theo nội dung đề án đề xuất, đường Thanh Niên và phố Trúc Bạch sẽ là hai tuyến phố được thực hiện thí điểm trước, sau đó mở rộng triển khai trên các tuyến phố khác trên địa bàn Thủ đô.

- Như ông nói, các tuyến phố được phủ ba tầng cây xanh với bốn mùa hoa. Vậy cụ thể những loài cây nào sẽ được trồng ở đây?

- Việc trồng cây có ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật nên đề án đang đề xuất việc trồng và chăm sóc cây do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đảm nhiệm. Phương án trồng cây gì, như thế nào sẽ do đơn vị này thiết kế và trình duyệt.

- Được biết, ở Singapore, người ta trồng một loài có tên là cây mưa. Loài cây này có đặc điểm khi trời nắng thì xòe lá, tạo bóng mát, khi trời mưa thì cụp lá lại, lấy ánh sáng cho các phương tiện giao thông. Hà Nội liệu có tham khảo trồng loại cây này?

- Cây mưa, còn gọi là cây muồng tím, là một trong những loài cây phổ biến nhất tại Singapore, góp phần tạo nên “Quốc đảo rừng xanh”. Tôi tin rằng khi đi vào triển khai đề án, các đơn vị thực hiện chắc chắn sẽ có nghiên cứu tới loài cây này. Tuy nhiên, việc có trồng loài cây này hay không còn cần xem xét các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu ở Hà Nội.

- Theo đề án, vỉa hè hai bên những tuyến phố Hà Nội sẽ được trang hoàng như thế nào, thưa ông?


- Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hướng tới phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch một cách tốt nhất, tôi cho rằng đề án cần giải quyết được bài toán về quản lý vỉa hè, đưa ra các giải pháp, ý tưởng về phần diện tích để xe cho người dân, phần diện tích dành cho người đi bộ và phần diện tích dành cho kinh doanh (nếu có), rồi ý tưởng về quản lý, quy hoạch lại các biển quảng cáo hiện có của các hộ kinh doanh... Những tính toán này cần phù hợp với hiện trạng của từng tuyến phố để vỉa hè thực sự thành không gian đáng sống của cộng đồng dân cư, bảo đảm các yếu tố như an toàn cho người đi bộ, tạo lập không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân và gìn giữ được nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô, phù hợp với mục tiêu “xây dựng tuyến phố xanh, sạch, đẹp và phong cách” mà đề án đề ra.

- Thực tế, khi chưa có đề án này, Hà Nội đã được du khách yêu mến gọi với cái tên là “Thành phố xanh”. Khi đề án này thành hiện thực, ông có kỳ vọng gì?

- Tôi hy vọng rằng, Hà Nội trong tương lai sẽ có được màu xanh thực sự, có những điểm nhấn thể hiện chiều sâu của văn hóa, lịch sử và ký ức đô thị, mang lại cho du khách cảm giác như được đắm mình trong thiên nhiên và màu sắc văn hóa bản địa, trải nghiệm những hương vị rất Hà Nội, rất Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần phát triển du lịch bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.