Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 17/01/2019 07:03

(HNM) - Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11-1-2019 quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô vừa được Chính phủ ban hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều ý kiến khẳng định, nếu nghị định được thực hiện nghiêm chắc chắn sẽ tăng hiệu quả sử dụng tài sản công, góp phần giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Khoán kinh phí sử dụng xe công sẽ được đẩy mạnh thời gian tới.


Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính):

Quản lý, sử dụng tiết kiệm tài sản công là yêu cầu bức thiết

Từ năm 2009 đến nay, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã dần đi vào nền nếp. Tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục; ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nâng lên một bước; hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công được chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thời gian qua vẫn còn một số hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Một số văn bản hiện hành không đáp ứng yêu cầu tình hình mới về khai thác nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức còn bất cập, chưa bao quát được đặc thù nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, địa bàn hoạt động.

Việc kiểm soát tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư, xây dựng, mua sắm, xử lý tài sản chưa được chặt chẽ, thường xuyên, một số trường hợp trang bị, bố trí sử dụng không đúng định mức. Công tác mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung mới chủ yếu dừng ở bước hoàn thiện thể chế và công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung...

Với thực trạng trên, việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công (như Nghị định số 04/2019/NĐ-CP mới được ban hành) là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay để tăng hiệu quả sử dụng tài sản công.

Ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội:
Hà Nội đã thực hiện quản lý xe ô tô công đúng quy định

Để quản lý tài sản công hiệu quả, tại kỳ họp thứ 6 khóa XV (ngày 5-7-2018) HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2018 về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Hà Nội trong việc quản lý tài sản công. Ngoài việc cập nhật toàn bộ tài sản công vào cơ sở dữ liệu quốc gia, thành phố còn yêu cầu các đơn vị nộp ngay toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công, để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, định mức quy định. Với những tài sản công không có nhu cầu sử dụng, chờ thanh lý, yêu cầu đơn vị liên quan báo cáo cấp thẩm quyền xem xét xử lý, đồng thời, nộp ngay số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định vào ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở Nghị định 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành 11-1-2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Hà Nội triển khai thực hiện quản lý, sắp xếp, xử lý xe ô tô của cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, với yêu cầu phải quản lý, sử dụng đúng quy định pháp luật, đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính, ngân hàng:
Sử dụng xe công phải rõ ràng, hiệu quả

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội là một trong những đơn vị của Hà Nội thực hiện khoán xe công. Ảnh: Bá Hoạt


Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương của Chính phủ tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Theo tôi, xe công phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Về nguyên tắc, việc sử dụng xe công cần hiệu quả, không nên dùng vào mục đích riêng như đi du lịch, đi lễ,…

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế một số cán bộ dùng xe công để phục vụ việc riêng, khiến dư luận bức xúc, vì thế, họ cần ý thức về nguyên tắc sử dụng xe công, nếu sử dụng không đúng mục đích là sự lãng phí, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các chế độ, chính sách dành riêng cho cán bộ các cấp càng mở rộng thì càng vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Vì vậy, theo tôi nếu không thực sự cần thiết phải sử dụng xe công, các cán bộ nên gương mẫu sử dụng bằng phương tiện riêng, có biên lai, biên nhận để thanh toán và được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định.

Bà Vũ Thị Minh, phường Mộ Lao, quận Hà Đông:
Nhân dân cùng giám sát

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, Bộ Tài chính đã công bố chi phí trả lương lái xe, hao mòn xe, sửa chữa, xăng dầu... của 1 xe ô tô công khoảng 320 triệu đồng/năm. Con số này đã khiến nhiều người phải suy ngẫm khi kinh tế nước ta còn khó khăn, không ít bộ, ngành, địa phương đang kêu gọi cắt giảm chi tiêu công...

Tôi rất mừng khi biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11-1-2019 quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực từ ngày 25-2-2019. Ngoài quy định chung về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, Nghị định số 04/2019/NĐ-CP còn có quy định cụ thể xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung...

Để nghị định được thực thi nghiêm túc, theo tôi các tầng lớp nhân dân cùng tham gia giám sát, phát hiện vi phạm để cơ quan chức năng xử lý đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.