Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô

Quốc Bình| 01/07/2014 06:09

(HNM) - Hôm nay (1-7), tròn một năm kể từ ngày có hiệu lực (1-7-2013), Luật Thủ đô đã đi vào cuộc sống và bước đầu phát huy hiệu quả đối với đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.



Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ tư, khóa XIII. Ngay sau khi luật được Chủ tịch nước ký lệnh ban hành, TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch thực hiện. Trong một năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện hai việc quan trọng. Thứ nhất là tổ chức tốt việc phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản liên quan; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Luật Thủ đô. Thứ hai là tiếp tục cụ thể hóa Luật Thủ đô, kịp thời đưa các quy định của luật vào thực thi hiệu quả, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hai việc trên đã được thực hiện song song. Trong đó, việc tuyên truyền đã được triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đều bày tỏ ủng hộ và đánh giá cao việc Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô. Đồng thời với đó, đến nay, thành phố đã xây dựng 16 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô bao gồm: 11 nghị quyết của HĐND thành phố, 2 quyết định của UBND thành phố; 2 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ và 1 văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các văn bản này đã cụ thể hóa một số quy định của Luật Thủ đô là những cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội.

Cùng với quản lý nhập cư, theo 11 nghị quyết vừa được HĐND thành phố thông qua, Hà Nội triển khai thực hiện các quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn; diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở khu vực nội thành. Thành phố cũng sẽ triển khai thực hiện một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô... Đặc biệt, quy định về mức tiền phạt được áp dụng cao hơn (không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định chung cả nước) đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng đã tạo điều kiện cho Hà Nội tăng cường biện pháp chế tài, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực được coi là khó như trên. Hiện nay, thành phố mới quy định mức phạt vi phạm giao thông mang tính đặc thù ở khu vực nội thành và một số tuyến đường vành đai, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Dự kiến, trong kỳ họp khai mạc tuần tới, HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua tiếp 2 nội dung cụ thể hóa các quy định trong Luật Thủ đô như Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tăng mức phạt cao. Như vậy, Hà Nội sẽ có thêm công cụ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.