(HNMO) - Ngày 28-4, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (28/4/2011 - 28/4/2021).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, 10 năm qua, Viện luôn chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ và đã có nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học, thiết kế trưng bày bảo tàng, nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa. Những thành tựu được thể hiện đậm nét ở hai nhiệm vụ khoa học, chính trị lớn. Đó là Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long” và nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”.
Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long” có ý nghĩa chính trị, khoa học sâu sắc, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau khi kết thúc khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu (2002-2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (2008-2009). Thành tựu nổi bật là nghiên cứu giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long dựa trên vết tích khảo cổ học. Từ đây, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã nghiên cứu phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và giới thiệu tại khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội năm 2016 nhằm giúp công chúng hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Sau 5 năm nghiên cứu, 64 công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đã được phục dựng, gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình...
Bên cạnh các nhiệm vụ chính, Viện Nghiên cứu Kinh thành còn thực hiện nhiều chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại nhiều địa phương và có nhiều phát hiện mới quan trọng, như: Phát hiện về Hành cung Lỗ Giang (Hưng Hà, Thái Bình năm 2014); phát hiện di chỉ lò nung vật liệu kiến trúc thời Trần tại Pù Lườn Xe, nằm trong quần thể kiến trúc Phật giáo Hắc Y - Bến Lăn ở huyện Lục Yên (Yên Bái) năm 2016; khai quật di chỉ sản xuất gốm Champa ở Bình Định trong những năm 2014-2017...
Đánh giá thành tựu đạt được trong quá trình phát triển của Viện Nghiên cứu Kinh thành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ghi nhận: 10 năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và đạt được nhiều thành tựu, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực. Những thành tựu và đóng góp của Viện Nghiên cứu Kinh thành trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Tại buổi lễ, Viện Nghiên cứu Kinh thành và Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Bùi Minh Trí vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong việc thực hiện “Dự án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”, góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.