Việc ứng dụng kỹ thuật số, khoa học máy tính vào quá trình nghiên cứu, quản lý, lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, nhân văn... ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong xã hội hiện đại.
Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Trường Giang, Viện Nghiên cứu Kinh thành, nơi đang triển khai nhiều dự án về “nhân văn số” để tìm hiểu rõ hơn về việc ứng dụng công nghệ mới nhằm gìn giữ các giá trị nhân văn.
- Thưa TS Đỗ Trường Giang, “nhân văn số” được hiểu đơn giản là gì?
- Digital Humanities (Nhân văn số) là một ngành học kết hợp giữa các phương pháp và công cụ kỹ thuật số hiện đại với các nghiên cứu về nhân văn truyền thống như văn học, lịch sử, triết học, nghệ thuật...
Sự ra đời của máy tính điện tử vào thập niên 1940 đã mở ra tiềm năng ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu nhân văn, đặc biệt là trong việc phân tích ngôn ngữ và văn bản. Tới thập niên 1970 - 1980, sự phát triển của máy tính cá nhân (PC) tạo điều kiện cho việc ứng dụng tin học trong lĩnh vực nhân văn trở nên phổ biến hơn. Các trung tâm nghiên cứu máy tính và nhân văn ra đời, tiêu biểu như Trung tâm Nghiên cứu văn bản và công nghệ (CETH) tại Đại học Brown. Tiếp đó, sự bùng nổ của internet và World Wide Web vào thập niên 1990 mang đến làn sóng mới cho ngành nhân văn số. Các dự án số hóa quy mô lớn như Perseus Digital Library, Women Writers Project thu hút sự chú ý của giới học thuật. Thuật ngữ "nhân văn số" cũng xuất hiện vào giai đoạn này và từ năm 2010 đến nay, nhân văn số tiếp tục phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng hóa về đối tượng và phương pháp nghiên cứu.
- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của “nhân văn số” tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
- Trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai một số dự án “nhân văn số”. Dự án The Vietnamese Nom Preservation Foundation (VNPF) là một dự án điển hình cho việc ứng dụng tư duy "nhân văn số" vào bảo tồn và phát huy di sản chữ Nôm của Việt Nam. Những người thực hiện VNPF đã tiến hành số hóa và lập danh mục cho hàng chục ngàn văn bản Hán Nôm, bao gồm sách cổ, văn bia, tài liệu hành chính và tác phẩm văn học. Các bản số hóa được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu có hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, trích dẫn và nghiên cứu sâu hơn về nội dung của từng văn bản. VNPF còn xây dựng phần mềm chuyên biệt để hỗ trợ quá trình số hóa văn bản Hán Nôm, cho phép nhận dạng ký tự, chú thích ngữ nghĩa, đánh dấu siêu dữ liệu... Điều này giúp chuẩn hóa và tăng tính chính xác của dữ liệu văn bản, tạo nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu nhân văn sau này. Website của VNPF còn cung cấp nền tảng để các nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên và những người yêu mến chữ Nôm có thể chia sẻ tài nguyên, trao đổi học thuật và tham gia các hoạt động chung. Có thể thấy, VNPF đã triển khai đồng bộ nhiều phương thức của “nhân văn số”, từ số hóa, xử lý dữ liệu đến tổ chức tri thức và truyền thông cộng đồng, qua đó dự án không chỉ góp phần gìn giữ một di sản quý báu của Việt Nam mà còn chứng tỏ vai trò tiên phong của “nhân văn số” trong việc làm sống lại những giá trị truyền thống bằng sức mạnh của công nghệ.
Việc ứng dụng “nhân văn số” còn đang được thực hiện trong nhiều dự án khảo cổ học Việt Nam, đặc biệt là bởi các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh thành. Một trong những dự án quan trọng mà Viện đã thực hiện là “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên”. Tháng 11-2024, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là công trình phục dựng hình ảnh điện Kính Thiên bằng công nghệ 3D, tái hiện bằng mô hình với đầy đủ bộ mái, cột, vì kèo, các gian và bậc thềm đá..., do các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện. Một dự án “nhân văn số” mà các nhà khoa học của Viện chuẩn bị triển khai, đó là dự án Nghiên cứu phục dựng 3D Phật viện Đồng Dương (tỉnh Quảng Nam) dựa trên tư liệu khảo cổ học. Nhiệm vụ của dự án là đầu tư nghiên cứu toàn diện và triệt để nhất có thể về các nguồn tư liệu khảo cổ học quý hiếm của Pháp do H. Parmentier và C. Carpeaux thực hiện tại Đồng Dương năm 1901 - 1902, kết hợp với kết quả điều tra, nghiên cứu so sánh các di tích Champa (thế kỷ IX - X), nghiên cứu thu thập tư liệu các loại hình di vật của Phật viện Đồng Dương hiện đang lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng trong nước và nước ngoài. Đồng thời, dự án cũng nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc, nghệ thuật kiến trúc, quy mô, tính chất, chức năng từng công trình kiến trúc, từ đó tiến hành phục dựng tổng thể không gian và chi tiết các công trình kiến trúc tại khu trung tâm Phật viện Đồng Dương bằng công nghệ 3D và dựng phim 3D với hình ảnh trung thực và sống động.
- Với hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế như hiện nay, theo ông, “nhân văn số” đang gặp phải những thách thức nào?
- Khó khăn đầu tiên bắt đầu từ việc thiếu nguồn lực, cả về tài chính lẫn nhân lực. Về tài chính, hiện tại, ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này còn hạn chế, chưa đủ để triển khai các dự án quy mô lớn. Nhân lực có chuyên môn về số hóa, công nghệ 3D và quản lý dữ liệu cũng là một vấn đề lớn khi việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ này chưa được chú trọng đúng mức. Khó khăn tiếp theo đến từ việc hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở hạ tầng công nghệ tại nhiều địa phương, kể cả các đô thị, từ hệ thống máy móc, phần mềm cho đến khả năng lưu trữ và quản lý dữ liệu số hóa, còn rất nhiều hạn chế. Cuối cùng, vì khái niệm “nhân văn số” còn khá mới mẻ, nhận thức của cộng đồng về “nhân văn số” còn hạn chế khiến cho việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào các dự án “nhân văn số” trở nên khó khăn.
- Có ý kiến cho rằng, Việt Nam sở hữu một kho tàng nhân văn phong phú nên “nhân văn số” rất có tương lai phát triển. Ông có chia sẻ gì với quan điểm này? Để khái niệm “nhân văn số” ngày càng phổ biến, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì?
- Đúng như vậy, để khái niệm “nhân văn số” tại Việt Nam trở nên phổ biến hơn, tôi nghĩ chúng ta cần xây dựng chiến lược toàn diện bao gồm việc xác định rõ các mục tiêu, lộ trình và cách thức triển khai, trong đó, việc phân bổ nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ cần được thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo hiệu quả lâu dài. Tiếp đó, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách liên quan, từ việc quản lý, lưu trữ dữ liệu đến quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thông tin. Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực “nhân văn số”, đồng thời cần có các biện pháp tài trợ cho các dự án lớn. Tiếp đó, Nhà nước cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ số hóa, quản lý dữ liệu cho cán bộ địa phương, nhằm nâng cao năng lực triển khai và quản lý các dự án số hóa. Đồng thời, cơ sở hạ tầng công nghệ cho việc số hóa cần được đầu tư mạnh mẽ hơn, từ trang thiết bị kỹ thuật đến hệ thống lưu trữ dữ liệu để giúp quá trình số hóa diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.