Kiến trúc

Góp cho Hà Nội những “nàng thơ”

Thủy Tiên 23/01/2024 09:27

Trải qua bao thăng trầm, Hà Nội đến nay vẫn giữ được dáng vẻ của một thành phố cổ kính.

Góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của Thủ đô, không thể không nhắc đến những căn biệt thự cổ thời Pháp với phong cách kiến trúc đa dạng, được ví như những "bảo tàng sống".

638407832476063924-16685702.jpg
Vẻ đẹp của biệt thự Pháp cổ trên phố Hà Nội.

Ngày 19-7-1888, Tổng thống Pháp Francois Sadi Carnot (1887 - 1894) đã ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội (Ville de Hanoi) làm nhượng địa (concession). Việc thành lập thành phố Hà Nội, thực ra, chỉ là cụ thể hóa ý định xây dựng trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa phục vụ cho việc cai trị lâu dài Việt Nam của thực dân Pháp. Nắm được chính sách của chính phủ Pháp dành cho quan chức ở Đông Dương, các nhà tư bản Pháp đã nhanh chân sang Hà Nội mua đất, xây biệt thự ở phía đông hồ Gươm cho quan chức cao cấp phủ Thống sứ Bắc Kỳ và tòa đốc lý thành phố thuê.

Từ năm 1890, những biệt thự đầu tiên đã hình thành trên các phố mà ngày nay gọi là Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Lê Lai, Lê Phụng Hiểu, Tông Đản, Lý Đạo Thành, Ngô Quyền... Ở phía nam hồ Gươm, sau khi hoàn thành hạ tầng, chính quyền bắt đầu đấu giá bán đất với điều kiện, lô có diện tích nhỏ nhất là 300m2, rộng nhất là trên 1.000m2. Người Pháp và một số ít người Việt giàu có đã mua đất xây biệt thự. Từ 1897, các phố mà ngày nay là Hàng Bài, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... đã xuất hiện nhiều biệt thự có khuôn viên rộng. Biệt thự số 36 Lý Thường Kiệt (nay là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) rộng hơn 1.000m2 (xây dựng năm 1899), biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - xây trước năm 1900 - rộng hơn 993m2. Rộng nhất là biệt thự của giám đốc Nhà máy Fontaine (Nhà máy Rượu Hà Nội) với gần 5.000m2 (góc Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, nay là Đại sứ quán Pháp).

Ở phía bắc thành phố, đầu phố Thụy Khuê, đầu đường Thanh Niên, dọc theo Quán Thánh, Châu Long, Đặng Dung... cũng mọc lên nhiều công thự và tư thự sang trọng. Phố Hòe Nhai có ngôi biệt thự theo kiến trúc Trung Hoa, rộng hơn 2.000m2. Từ năm 1888 - 1902, khu phố mới đã hình thành rõ nét, đường rộng, có đèn chiếu sáng, hè phố trồng cây xanh, có máy nước vào các hộ, hệ thống thoát nước thải... Năm 1897, Hà Nội có 27 biệt thự, năm 1898 là 42, năm 1900 là 55 và năm 1901 là 57 biệt thự.

Ở phía tây thành phố, sau khi phá xong tường thành Hà Nội năm 1897, nhà thầu chính là hãng Bazin được cấp 90 héc ta đất ở khu vực này. Họ làm hạ tầng và bán đất cho tư nhân, chính quyền. Các phố Chu Văn An, Nguyễn Cảnh Chân, Lê Hồng Phong, Cao Bá Quát, Điện Biên Phủ, Khúc Hạo... ngày nay hình thành vào đầu thế kỷ XX. Ở những phố này đã xuất hiện hàng loạt biệt thự, chủ yếu để cho thuê.

Năm 1920, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, lúc này bắt đầu xuất hiện xu hướng kiến trúc Tiền hiện đại với các phong cách Tân nghệ thuật, trang trí ở các biệt thự công và tư. Báo chí Pháp ở Đông Dương và chính quốc lên án, việc các công trình công cộng có kiến trúc ở các vùng nước Pháp là chính trị hóa kiến trúc. Để tránh phản ứng của người dân thuộc địa, đã xuất hiện xu hướng kiến trúc kết hợp văn hóa Đông - Tây gọi là kiến trúc Đông Dương. Người mở đầu trào lưu này là kiến trúc sư (KTS) E. Hebrard. Phong cách kiến trúc Đông Dương ban đầu áp dụng cho các công trình lớn, sau lan sang biệt thự.

Trước năm 1931, hầu hết biệt thự ở Hà Nội đều do KTS người Pháp thiết kế. Nhưng khi khóa đào tạo KTS người Việt đầu tiên (1926 - 1931) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương kết thúc, một số KTS người Việt Nam đã mở văn phòng. Tính từ năm 1931 - 1954, các KTS người Việt thiết kế khoảng 200 biệt thự ở Hà Nội; dù thiết kế khác nhau song các tác phẩm của họ đều theo hướng tìm về cội nguồn. Các KTS Việt Nam kết hợp kiểu biệt thự Pháp vuông vắn nằm giữa khuôn viên với kiểu nhà ống xây dài và liền kề trên các khu phố cổ, tạo ra kiểu nhà rộng rãi hình chữ nhật dựa lưng vào nhau, có sân hoặc vườn ở phía trước. Họ là Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh...

Tính đến 1954, Hà Nội có 355 phố với khoảng 1.600 biệt thự công và tư. Trừ khu vực phố cổ chật hẹp còn lại phố nào cũng có biệt thự. Có những phố từ đầu đến cuối là biệt thự có khuôn viên như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối, Lê Thánh Tông... Ở phía bắc là các phố Nguyễn Biểu, Đặng Tất, Đặng Dung... Bên số chẵn phố Quán Thánh, số lẻ phố Phan Đình Phùng không có nhà liền kề chen vào. Phía tây, các phố Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Cao Bá Quát, Khúc Hạo, Hoàng Diệu... Phía nam, đoạn cuối phố Quang Trung hầu hết là biệt thự. Những biệt thự mới xung quanh khu vực Thiền Quang phần lớn là của người Việt Nam. Họ là giáo sư, công chức cấp cao, bác sĩ, nhà buôn giàu có. Phố Thiền Quang dài 200m nhưng hai bên có 15 biệt thự, phố Nguyễn Gia Thiều dài khoảng 300m có 30 biệt thự, phố Nguyễn Du đoạn từ ngã năm Bà Triệu đến Lê Duẩn có 12 biệt thự, phố Hồ Xuân Hương dài trên 200m có 10 biệt thự.

Biệt thự Hà Nội được giới kiến trúc châu Á đánh giá độc nhất vô nhị vì không có thủ đô nào ở châu Á lại có nhiều “vườn trong phố” như vậy. Ngày nay, bên cạnh những tòa nhà chọc trời, những khu đô thị mới..., Hà Nội vẫn có một vẻ đẹp riêng thâm trầm, đầy hoài niệm. Làm nên vẻ đẹp đó có những đóng góp không nhỏ của các biệt thự mang phong cách kiến trúc Đông Dương, tinh tế, lãng mạn, cảm xúc. Có tuổi đời hơn 100 năm, những ngôi biệt thự Pháp cổ đã trở thành “nhân chứng” sống, lưu giữ và lắng đọng trong mình những câu chuyện rất riêng về văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp cho Hà Nội những “nàng thơ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.