(HNMO) - Án phạt tại Ấn Độ liên quan tới việc Google áp dụng các quy định ngặt nghèo đối với hệ điều hành Android, được cho là để kiềm chế các đối thủ cạnh tranh.
Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (ICC) cho biết, mức phạt vừa công bố 161,9 triệu USD là kết quả cuộc điều tra kéo dài từ năm 2019, với cáo buộc hãng khổng lồ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu thế giới cố tình đưa ra các quy định nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho ứng dụng tích hợp của mình trên nền tảng Android, trong đó có việc buộc các đối tác sản xuất điện thoại phải cài sẵn ứng dụng Google trên máy mới xuất xưởng. Theo ICC, điều này là “bất bình đẳng” và khiến các doanh nghiệp công nghệ khác không thể phát triển các phiên bản Android ít lệ thuộc vào dịch vụ của Google.
Cũng theo ICC, Google đã lạm dụng vị thế áp đảo trên thị trường công nghệ nhằm bóp nghẹt cơ hội phát triển của các đối thủ trong nhiều lĩnh vực, như tìm kiếm trực tuyến, cửa hàng ứng dụng, trình duyệt web và dịch vụ truyền tải video.
Theo giới chuyên môn, mức phạt chủ yếu mang tính răn đe, bởi quá nhỏ bé so với doanh thu 257,6 tỷ USD mà Google thu về trên toàn cầu trong năm 2021. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, Google sẽ không thể xem nhẹ quyết định của ICC, trong bối cảnh Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác cũng đang có những cuộc điều tra tương tự. Mặt khác, Ấn Độ cũng là thị trường chủ lực của Google, với hơn 606,6 triệu người dùng điện thoại thông minh – nhiều thứ hai trên thế giới.
Dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên Google bị phạt vì các hành vi độc quyền liên quan tới Android. Hãng phần mềm Mỹ từng yêu cầu những loại điện thoại Android muốn cài cửa hàng ứng dụng Play Store phải cài kèm cả trình duyệt Chrome và ứng dụng YouTube, đồng thời đặt biểu tượng của các ứng dụng này ngay trên màn hình chính (Homescreen) của máy. Nếu chọn sử dụng Android mã nguồn mở (AOSP), các nhà sản xuất phải chấp nhận việc bị “cấm cửa” khỏi Play Store.
Hệ quả là, Google đã bị các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia yêu cầu “mở cửa” hệ sinh thái của mình, cho phép các doanh nghiệp sản xuất chọn lựa ứng dụng họ muốn cài trên điện thoại hay máy tính bảng xuất xưởng. Google cũng không được phép từ chối quyền truy cập Play Store, hay áp dụng các quy định tạo ra giao dịch tìm kiếm độc quyền. Ngoài ra, các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba cũng phải được phép phân phối ứng dụng qua Play Store, trong khi người dùng có quyền lựa chọn công cụ tìm kiếm trực tuyến mà họ muốn, cũng như có thể gỡ bỏ các ứng dụng Google mà họ không muốn dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.