(HNM) - Xã Trần Phú thuộc vùng bán sơn địa của huyện Chương Mỹ thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang, địa hình đồng đất chia thành 3 vùng rõ rệt: miền núi, trung du và đồng bằng, do vậy sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
"Trần Phú sẽ đẩy mạnh dồn điền đổi thửa (DĐĐT), khắc phục những tồn tại, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên biệt theo từng vùng để thoát nghèo" - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Trần Phú Trần Công Huấn khẳng định.
Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Trần Phú, Chương Mỹ. |
Theo Chủ nhiệm Trần Công Huấn, Trần Phú là xã không có nghề phụ nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của xã mới đạt hơn 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15%. Toàn xã có 730ha đất canh tác nhưng ruộng đất manh mún, mỗi hộ dân có 9-10 thửa ruộng, có thửa chỉ vài chục mét vuông, đất đai bị chia cắt, nhiều khu vực úng trũng chỉ cấy được một vụ lúa nên canh tác khó khăn. Để khắc phục những hạn chế đó, xã Trần Phú đã và đang đẩy mạnh công tác DĐĐT. Năm 2007, Trần Phú đã tiến hành DĐĐT được 242 hộ gọn tới 1-2 thửa với tổng diện tích 65,9ha. Trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả, vùng chuyên cá, mô hình sản xuất tổng hợp... bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập nông dân tăng lên rõ rệt. Từ thành công đó, năm 2012, xã Trần Phú tiếp tục đẩy mạnh DĐĐT số diện tích còn lại nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân có khả năng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, xây dựng các trang trại tập trung có quy mô lớn. Chủ tịch UBND xã Trần Phú Lê Anh Kiều cho biết: Chủ trương của xã là gắn công tác DĐĐT với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khuyến khích các hộ đổi đất cho nhau hoặc thuê lại đất với mục đích gọn thửa, gọn vùng để sản xuất chuyên canh. Trên cơ sở quỹ đất nông nghiệp hiện có, từng thôn lập đề án, trong đó căn cứ vào đồng đất để phân vùng hoặc phân theo cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị đất canh tác, phấn đấu đến quý II-2013 hoàn thành việc DĐĐT.
Dù còn nhiều khó khăn, song bước đầu ở xã Trần Phú đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao diện tích 100ha, vùng trồng bưởi Diễn, cam Canh, diện tích 89ha,…Theo đề án xây dựng NTM, sau khi tiến hành DĐĐT xã Trần Phú sẽ xây dựng thêm vùng chuyên sản xuất rau an toàn 33,4ha tại các thôn Đồng Khoang, Gò Dâu, Gò Gạo, vùng sản xuất lúa chất lượng cao 132,7ha tại các thôn Đồng Tre, Gò La, Hương Cầm; mở rộng vùng trồng cây ăn quả, bưởi Diễn, chanh đào lên hơn 100ha. Bên cạnh đó xã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư 20,5ha; vùng chăn nuôi thủy sản 65ha… Anh Trần Văn Thắng, xã Trần Phú cho biết: Với diện tích hơn 2ha trồng cam Canh, bưởi Diễn gia đình anh đã có thu nhập ổn định, cam Canh đã đạt 400 triệu đồng/ha, bưởi Diễn mới cho quả năm thứ hai cũng đạt hơn 200 triệu đồng/ha. Nếu so với trồng sắn trước đây thì giá trị thu nhập tăng gấp 10 lần nên nông dân ở vùng bán sơn địa đang thu hẹp diện tích trồng sắn để trồng cây ăn quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh: Trần Phú đang chọn hướng đi đúng để vươn lên thoát nghèo. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã giúp giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao, tạo bước chuyển quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với các loại cây trồng kém hiệu quả như ngô, khoai, sắn chuyển sang sản xuất tập trung thành vùng cây trồng giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn. Hiện nay, so với trồng khoai, sắn, trồng cây ăn quả cho giá trị cao gấp 10 lần; nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa 2 vụ kém hiệu quả trước đây. Năm 2012 này khả năng Trần Phú sẽ giảm số hộ nghèo được 2-3%, cải thiện đáng kể đời sống người dân vùng bán sơn địa. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.