Quy hoạch

Gợi ý về diện mạo Thủ đô trong tương lai

Bảo Hân 03/08/2023 - 06:24

Từ đầu tháng 8-2023, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bước sang giai đoạn quan trọng. Liên tiếp các cuộc tọa đàm, hội thảo về từng lĩnh vực chuyên ngành nhằm trao đổi những định hướng lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội đã được tổ chức. Những ý tưởng cho tương lai của thành phố dần được hình thành trên cơ sở đánh giá kỹ hiện trạng, dữ liệu thu thập được và nhiều vòng làm việc tâm huyết, kỹ càng.

quy-hoach.jpg
Diện mạo Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy hoạch là thành phố xanh, thông minh với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Ảnh: Quang Thái

Nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa

Tại các cuộc làm việc giữa Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và liên danh tư vấn lập quy hoạch với các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhiều lần nhấn mạnh, diện mạo Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được gợi ý là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang dấu ấn Thủ đô ngàn năm văn hiến và được bảo tồn, phát huy, nâng tầm bằng công nghệ số.

Trong tương lai, Hà Nội phải là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Hệ thống cây xanh và mặt nước là điểm nhấn tiêu biểu của đô thị. Thành phố là trung tâm khoa học công nghệ - giáo dục đào tạo, chuyển đổi số của cả nước; chính quyền số, xã hội số, công dân số.

Thủ đô Hà Nội cũng là thành phố đặc sắc, là điểm đến của du lịch văn hóa, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện quốc tế thường niên, thành phố sáng tạo, thành phố hội nhập toàn cầu, nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa, đưa hình ảnh của Thủ đô, đất nước hòa bình, thịnh vượng, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Về cấu trúc phát triển, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn) cho hay, đó là chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô và quốc gia.

Trong không gian xây dựng, định hướng là hình thành vùng đô thị lớn cấu trúc vành đai và hướng tâm; tập trung theo khu vực, hành lang, hạn chế kết nối tự phát giữa đô thị và nông thôn; phát triển vành đai đô thị đồng bộ, hiện đại theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch) xung quanh đô thị lịch sử để thu hút dân số, lao động; bảo tồn các giá trị quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, di tích, di sản đô thị - nông thôn hiện có, đưa chúng trở thành các giá trị của đô thị…

“Đô thị trung tâm được xác định là khu vực đặc biệt gồm các quận và các thành phố theo từng giai đoạn. Thành phố từng bước đô thị hóa các huyện vành đai theo lộ trình và thành lập quận đối với các khu vực đô thị tập trung, tránh đô thị hóa vào các nêm xanh, vành đai xanh; thực hiện lộ trình đô thị hóa vùng lõi các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn huyện lỵ và nâng cấp các xã đạt tiêu chí đô thị để có mô hình quản lý phù hợp…”, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn quốc gia nêu ý kiến.

Chú trọng hạ tầng phục vụ công nghiệp văn hóa

Đóng góp ý kiến vào các phương án phát triển không gian đô thị, nông thôn trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn nhấn mạnh, cần xác lập mô hình các dạng nhà ở tại khu đô thị. Mô hình này của Hà Nội đang thiếu bền vững, nhanh chóng lỗi thời. Nhiều dự án chỉ tập trung vào hình thức và tối ưu hóa nhu cầu sử dụng mà bỏ qua sự thống nhất toàn khu và kết nối không gian cộng đồng. Các đô thị vệ tinh phát triển lệch pha, thiếu trọng tâm, kết nối giao thông với đô thị trung tâm kém nên thiếu sức hút.

“Hành lang xanh phát triển không hiệu quả đang trở thành "xám" khi mật độ cây xanh trên đầu người rất thấp, nhà ở tập trung rất nhiều. Vì vậy, cần xem xét một cách nghiêm túc định hướng phát triển mô hình vành đai xanh và nên quan tâm xây dựng các mảng xanh xen kẽ tại đô thị nội đô”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn nêu.

Về quy hoạch không gian tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội đã xác định mô hình phát triển theo hướng văn hiến - văn minh - hiện đại nên cần chú trọng hạ tầng phục vụ công nghiệp văn hóa. Quy hoạch cũng cần khẳng định Hà Nội là đầu tàu kết nối văn hóa, dịch vụ nghệ thuật, khoa học công nghệ. Trong hạ tầng cần nhấn mạnh hạ tầng ngầm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định, những ý kiến trên không những hữu ích cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch mà còn giúp thành phố học hỏi, áp dụng, điều chỉnh ngay trong thực tiễn. Thời gian tới, các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô sẽ tiếp tục tổ chức nhiều vòng làm việc, khảo sát, thu thập đầy đủ thông tin, cơ sở dữ liệu nhằm hoàn thiện các nội dung đề xuất về các phương án phát triển từng ngành, lĩnh vực, địa bàn vào dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gợi ý về diện mạo Thủ đô trong tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.