(HNMO) - Với việc xác định 3 khâu đột phá và 2 vùng động lực phát triển Thủ đô, Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực với GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Đây là những thông tin quan trọng được nêu tại Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-4.
Ba khâu đột phá, hai vùng động lực để Thủ đô phát triển xứng tầm
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 3 khâu đột phá và 2 vùng động lực phát triển Thủ đô. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Trong tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt 36.000 - 40.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thành phố cũng xác định ba khâu đột phá, về thể chế: Xây dựng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và các thể chế đặc thù, vượt trội để bảo đảm yêu cầu và mục tiêu phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; gắn liền với đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các cơ chế, chính sách để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, phát triển thông minh. Trong đó, ưu tiên tập trung rà soát, sửa đổi Luật Thủ đô (hiện thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp để triển khai các bước theo quy định).
Về phát triển hạ tầng, thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên tập trung phát triển nhanh hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ; đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông để tạo sức hút và tính lan tỏa trong phát triển. Thành phố cũng sẽ coi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài, hiền tài là nguồn lực cơ bản, mang tính hiệu quả và đột phá nhất. Trong đó, chú trọng các giải pháp thu hút nhân tài từ các nước đến làm việc tại Hà Nội.
Đối với hai vùng động lực phát triển Thủ đô giai đoạn tới sẽ là vùng động lực tại khu vực thành phố Bắc sông Hồng với các loại hình dịch vụ chất lượng cao như tài chính ngân hàng, giáo dục, du lịch, hội thảo... theo hướng thông minh và hội nhập; một phần dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Tập trung phát triển chuỗi đô thị bắc sông Hồng gồm Vĩnh Phúc - Hà Nội (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh - Gia Lâm, gắn với mô hình thành phố trong Thủ đô) - Hưng Yên song song với vành đai động lực Phú Thọ - Thái Nguyên Bắc Giang của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
Đây chính là động lực kết nối, lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Vùng động lực khu vực thành phố phía Tây là thành phố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo với Khu công nghệ cao Hòa Lạc là hạt nhân.
Văn hiến, văn hóa sẽ là nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô
Tổng hợp các ý kiến tham luận tại tổ của các đại biểu về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đa số đại biểu cũng nhất trí với các nội dung cơ bản của Đề cương.
Đối với các trục phát triển, thành phố nhất trí với ý kiến đại biểu cho rằng trục sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo tồn vừa phát triển, nhất là có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu hoàn thiện nội dung trục phát triển bảo đảm thống nhất với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đánh giá cao công tác tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện khá bài bản, công phu, bảo đảm các bước theo quy trình và quy định của Luật Quy hoạch. Trong đó, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như tổ chức học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số cơ quan, địa phương.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, rà soát nội dung Quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch có liên quan. Trong đó cần lưu ý quan điểm “xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” theo đúng Nghị quyết số 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng yêu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố nghiên cứu các tiêu chí của “Thành phố kết nối toàn cầu” tại mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2045, làm cơ sở đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đáp ứng các tiêu chí này; làm rõ hơn vai trò của kinh tế du lịch trong giai đoạn tới.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh các điều kiện đặc thù, tiềm năng của hệ thống sông, hồ và rừng của thành phố không chỉ có vai trò là cảnh quan, sinh thái, môi trường mà còn có ý nghĩa về giá trị văn hóa - lịch sử và phải coi đây là nguồn lực để phát triển của Hà Nội.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị bổ sung các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn, văn hóa lúa nước của vùng đồng bằng sông Hồng; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ, kết hợp với phát triển du lịch xanh, phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương và công bố công khai để lấy ý kiến của nhân dân Thủ đô. Qua đó vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.