Thế giới

Gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine: Mong manh cơ hội “vượt ải”

Thùy Dương 15/02/2024 - 07:12

Sau nhiều tuần tranh cãi, Thượng viện Mỹ - do đảng Dân chủ kiểm soát - đã thông qua dự luật về gói viện trợ trị giá hơn 95 tỷ USD, trong đó có 61 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, dự luật được nhận định sẽ khó "vượt ải" Hạ viện - nơi đảng Cộng hòa kiểm soát.

Điều này khiến viện trợ của Washington cho Kiev tiếp tục bị trì hoãn vào thời điểm quan trọng khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba.

Các nhà lập pháp ủng hộ dự luật coi gói viện trợ là khoản đầu tư trực tiếp vào lợi ích của Mỹ nhằm bảo đảm sự ổn định toàn cầu, bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel và 4,83 tỷ USD hỗ trợ các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gói hỗ trợ cũng sẽ dành 9,15 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza và Bờ Tây, Ukraine và các khu vực xung đột khác trên toàn cầu.

Với gói viện trợ cho Ukraine, Kiev sẽ nhận được gần 14 tỷ USD phục vụ việc mua vũ khí, đạn dược và gần 15 tỷ USD cho các dịch vụ hỗ trợ, như huấn luyện quân sự và chia sẻ thông tin tình báo. Khoảng 8 tỷ USD sẽ được dùng để giúp Chính phủ Ukraine tiếp tục các hoạt động cơ bản. Ngoài ra còn có 1,6 tỷ USD hỗ trợ khu vực tư nhân và khoảng 480 triệu USD giúp đỡ những người Ukraine phải di tản. Khoảng 1/3 số tiền hỗ trợ Ukraine trên thực tế sẽ được dùng để bổ sung cho quân đội Mỹ.

Là thành viên của phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer ca ngợi việc thông qua gói viện trợ là một thông điệp rõ ràng gửi tới các đồng minh.

Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, việc phê duyệt các quỹ là rất quan trọng để duy trì nghĩa vụ quốc tế của Washington và bảo vệ an ninh trong nước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và tất cả các thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật.

Cuối năm 2023, gói viện trợ bổ sung trị giá hàng tỷ USD dành cho Ukraine cũng như viện trợ cho Israel và các đối tác đã không được Quốc hội Mỹ thông qua sau khi đảng Cộng hòa coi vấn đề an ninh biên giới mới là ưu tiên tuyệt đối.

Dự luật nêu trên được thông qua sau gần 5 tháng đàm phán. Ban đầu, phía đảng Dân chủ tại Thượng viện đã hợp tác với đảng Cộng hòa để soạn thảo một dự luật chung, bao gồm cả viện trợ nước ngoài cũng như các biện pháp siết chặt an ninh biên giới. Trong đó, đảng Cộng hòa yêu cầu phải được giải quyết làn sóng di cư vào Mỹ gia tăng, vấn đề an ninh của các đồng minh. Nhưng thỏa thuận lưỡng đảng về an ninh biên giới do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford ký đã sụp đổ chỉ vài ngày sau khi được công bố.

Sau khi dự luật này thất bại, các nghị sĩ đã từ bỏ điều khoản về chính sách nhập cư và chỉ thông qua gói viện trợ nước ngoài như dự định ban đầu của đảng Dân chủ. Do đó, dự luật về gói viện trợ nước ngoài không đề cập đến việc thay đổi luật nhập cư của Mỹ như phe Cộng hòa yêu cầu.

Tình tiết này càng bộc lộ sự chia rẽ trong lưỡng đảng, khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho rằng Thượng viện đã không giải quyết vấn đề an ninh ở biên giới Mỹ - Mexico, điều mà ông mô tả là “vấn đề cấp bách nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt”.

Phát biểu với báo giới ngày 13-2, ông Mike Johnson tuyên bố, không có ý định cho phép biểu quyết về văn kiện trên. Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ, không thể chấp nhận dự luật này mà không bao gồm các biện pháp mới nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp vào Mỹ qua biên giới phía Nam.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ ba và vẫn không thấy lối thoát. Viện trợ từ cường quốc số một thế giới - quốc gia hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Ukraine vô cùng quan trọng khi Kiev đang tìm cách đẩy lùi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Các quan chức Ukraine đã cảnh báo về tình trạng thiếu vũ khí và kinh phí để duy trì hoạt động của chính phủ. Liên minh châu Âu cuối cùng đã bật đèn xanh cho gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (tương đương 54 tỷ USD) bị trì hoãn vào đầu tháng này.

Tình hình địa chính trị trên thế giới ngày càng diễn biến khó lường, khi lợi ích của Mỹ ngày càng bị đe dọa ở Trung Đông, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, thì việc thể hiện cam kết kiên định với các đồng minh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã ngăn chặn các gói viện trợ và gần một nửa cử tri Mỹ cảm thấy Washington đang hỗ trợ Ukraine quá nhiều, tạo ra những chi phí quá tốn kém cho đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine: Mong manh cơ hội “vượt ải”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.