Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gọi quá khứ qua nét vẽ tài hoa

Quỳnh Nguyên| 16/08/2014 06:46

(HNM) - Trong cuộc sống, bên cạnh những cái tất nhiên bao giờ cũng có cái ngẫu nhiên và cuộc đời mỗi con người cũng vậy. Chính những ngẫu nhiên, tình cờ đôi khi mang màu sắc kỳ lạ đã tạo nên những điểm mốc đáng nhớ.


Chuyện đời như "tái ông thất mã"

Tôi đến thăm họa sĩ Bảo Nguyên (SN 1934) ở số nhà 47 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiến, Hà Nội) vào một chiều muộn. Căn phòng có tông màu chủ đạo đen - trắng ấy lọt trong khu phố buôn bán sầm uất nhất nhì Hà thành. Thế nhưng cửa hiệu vẽ truyền thần không hề bị những mảng đa sắc màu nuốt gọn mà ngược lại còn nổi lên bởi cái hồn phố cổ tụ hết lại nơi đây: Trầm mặc và tao nhã.

Họa sĩ Bảo Nguyên đang miệt mài vẽ truyền thần tại số nhà 47 Hàng Ngang.


Điều ấn tượng khi bước chân vào cửa hiệu là sự im lìm, tĩnh mịch ghi dấu ấn thời gian tạo cho tôi cảm giác lâng lâng khó tả. Những lo toan mệt nhọc công việc hằng ngày tự nhiên tan biến. Kia rồi, những bức ảnh chân dung và giới thiệu về nhân vật sống ở Thủ đô được lưu giữ đã góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ. 53 năm làm nghề với hơn 100 bức tranh truyền thần, 14 bức tranh được triển lãm tại Nhật Bản năm 2000, ông được giới họa sĩ ví von như một mảnh ghép của bức tranh lớn người Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét: "Họ đã lưu giữ trong chính đời sống của họ những giấc mơ, những sáng tạo và dâng hiến cho đời sống của vùng đất Kinh kỳ. Họ mang những vẻ đẹp của văn hóa Thăng Long truyền vào cộng đồng".

Khi được hỏi về duyên nghề, họa sĩ Bảo Nguyên chia sẻ: "Mãi năm 27 tuổi tôi mới tìm được thứ gọi là nghiệp của đời mình. Tôi luôn nghĩ về cuộc đời như "tái ông thất mã". Số mệnh đã lấy đi cơ hội làm nhà nghiên cứu khoa học nhưng lại cho tôi cơ hội được vẽ tranh. Cuộc đời thế là ưu ái cho tôi lắm rồi".

Nghề vẽ truyền thần đến với cuộc đời ông như là "mệnh trời" khó cưỡng. Khi Bảo Nguyên còn nhỏ, một lần có một người bạn của bố đến nhà chơi, nhìn thấy cậu bé gày gò nhỏ nhắn liền nói với cậu có duyên làm thầy thuốc hoặc thợ vẽ. Nhưng suốt những năm sau đó, người nhà và cả chàng thanh niên Bảo Nguyên vẫn không thấy mình có năng khiếu gì ở hai nghề này. Tốt nghiệp cấp 3, cậu thi vào Khoa Lý (Đại học Tổng hợp Hà Nội) và trở thành một trong những tân sinh viên ít ỏi của Khoa Vật lý nguyên tử. Và nếu không có bước ngoặt đầy bất ngờ thì ông có thể đã trở thành nhà khoa học. Đó là vào kỳ thi cuối cùng của năm cuối đại học, Bảo Nguyên ốm một trận thập tử nhất sinh, buộc phải bỏ kỳ thi và chờ một năm để thi lại. Chính trong thời gian đó, một lần tình cờ thả bộ trên phố Hàng Đào, ông đã gặp một người vẽ tranh truyền thần nên thích thú đứng xem. Rồi những ngày sau đó là quãng thời gian lần mò đến cửa hiệu quen thuộc để học lỏm và về nhà tự tập vẽ. Tác phẩm đầu tiên ký họa những người thân quen: Bố, mẹ, anh chị em và được khen là vẽ giống. Nhớ lời tiên đoán, nghề nghiệp đến với mình do đã định sẵn ông tự tin theo học. Trời phú cho Bảo Nguyên đôi tay tài hoa, lại cộng thêm trí thông minh, sự nhạy cảm tinh tế của người nghệ sĩ như một chuẩn bị tất yếu để ông đến với nghề này. Có lẽ vì thế có những bức tranh truyền thần chỉ mình ông vẽ được.

Đó là câu chuyện về bức chân dung danh sĩ Ngô Sĩ Liên (nhà sử học thời Lê sơ, sống vào thế kỷ XV). Một tối khi họa sĩ Bảo Nguyên đang vẽ tranh trong cửa hàng tại số 47 Hàng Ngang thì có một cụ già tìm đến. Nhìn bộ quần áo, cử chỉ và cách đi đứng, ông đoán đó là một cụ từ. Cụ già đề nghị Bảo Nguyên vẽ cho mình bức chân dung một vị quan đại thần mặc đại triều phẩm phục. Thấy mình không đáp ứng được yêu cầu của cụ già, ông đã từ chối và giới thiệu một vài tiệm vẽ truyền thần khác ở phố trên. Nhưng một lúc lâu sau, cụ già quay lại tiệm tranh của Bảo Nguyên và nhờ ông vẽ. Lần này, Bảo Nguyên đồng ý. Khi ông đã đồng ý vẽ tranh cụ già mới kể lại giấc mơ kỳ lạ của mình đêm qua, trong đó có nói đến việc cụ phải đi lại ba lần thì họa sĩ mới đồng ý vẽ giúp bức chân dung này. Đến lúc đó cụ già mới nói bức chân dung cần vẽ chính là chân dung danh sĩ Ngô Sĩ Liên. Hơn nữa trong giấc mơ, ông còn nhớ rất rõ địa chỉ mà mình đến có đuôi là con số 7, cũng đúng với số nhà của họa sĩ Bảo Nguyên.

Bức chân dung ông Nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan, bậc trí giả đại kiệt xuất của thế kỷ XIX cũng là câu chuyện đặc biệt. Nhân dịp 200 năm ngày sinh của cụ Vũ. Ông Vũ Thế Khôi - hậu duệ 9 đời của Vũ Tông Phan đã đặt họa sĩ Bảo Nguyên vẽ bức chân dung cụ tổ mà không có bất cứ tấm ảnh mẫu nào cả. Suốt mấy tuần liền sau đó, họa sĩ Bảo Nguyên phải dành phần lớn thời gian để đọc lại tiểu sử cũng như thơ văn cụ Nghè Vũ Tông Phan. Chưa đủ, ông còn đề nghị người nhà kể về cụ tổ của mình và chăm chú lắng nghe, cảm nhận. Qua thơ văn, cũng như những buổi trò chuyện với con cháu trong dòng họ, dáng vẻ và phong thái cụ Vũ dần hiện ra. Ông kể: "Sau buổi nói chuyện lần thứ 2 với con cháu họ Vũ - khi người khách về cứ như có một người ngồi bên giá vẽ làm mẫu. Ông liền cầm bút lên vẽ rồi treo vào một chỗ kín đáo. Con cháu cụ Vũ Tông Phan đến xem rồi thốt lên "tôi chưa từng thấy mặt cụ tổ, nhưng thần thái người trong tranh là thần thái dòng họ Vũ nhà tôi".

Tên tuổi Bảo Nguyên nức tiếng khắp trong và ngoài nước, mọi người đều yêu mến tặng cho ông không ít xưng danh, nhưng Bảo Nguyên chỉ nhận mình là thợ vẽ. Chợt nghĩ, chính sự tài hoa mà khiêm nhường này ở những người như ông đã tạo nên cái hơn của bức chân dung lớn về người Hà Nội.

Đau đáu nỗi lo truyền nhân

Cuộc đời con người vốn không ít sự tình cờ nhưng họa sĩ Bảo Nguyên mãi mãi cảm ơn sự tình cờ năm ấy. Bởi nó đã đem đến cho ông cái nghề mà dẫu có gắn bó cả đời vẫn thấy là chưa đủ. Không chỉ thế, cũng nhờ nó mà ông đã tìm được người vợ hiền thảo của mình. Bà chính là cô học trò đầu tiên của ông.

Những người bạn già của họa sĩ Bảo Nguyên kể rằng, ông chưa bao giờ bận tâm về nỗi lo cơm áo gạo tiền, không lo xây nhà mua sắm đồ đạc, ông càng không bận tâm giá vàng "nhảy múa" chóng mặt… Cũng rất may những việc đó đều nhờ người vợ đảm đương. Cái ông lo nhất chính là tuổi già như lá mùa thu, biết đâu bất chợt ông ra đi thì những "bí kíp" vẽ tranh truyền thần sẽ không tìm được người xứng đáng để gửi gắm. Ông luôn đau đáu: Sợ thất truyền nghề vẽ tranh truyền thần giữa sự phồn hoa của phố cổ.

Trong suốt mấy chục năm làm nghề, đã có nhiều học trò theo học nhưng ông vẫn chưa gặp được một "truyền nhân" nào xứng đáng để trao lại toàn bộ tâm nguyện của đời mình. Ba người con trai của ông đều đã thành đạt, tuy nhiên để tiếp nối sự nghiệp của cha thì rất khó. Ông nói: "Cậu con trai thứ hai Nguyễn Bảo Lân có khiếu hơn cả, cũng đã từng theo tôi chăm chỉ học nghề. Tuy yêu tranh, nhưng sự kiên định để theo nghề và một chút cái gọi là nhãn tự của nghề thì vẫn chưa làm tôi hài lòng". Ngoài tâm, tài, đức ra, người vẽ tranh truyền thần cần phải có con mắt nghệ sĩ để nhìn ra được thần thái của chân dung cần vẽ, đây mới chính là yếu tố không thể truyền dạy hay bắt chước được. Bởi thế, suốt bao nhiêu năm qua, trách nhiệm đi tìm đệ tử chân truyền đã đè nặng lên vai ông.

Nhạc sĩ Cát Vận, nguyên Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch CLB "Âm nhạc và Báo chí" (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm tặng họa sĩ Bảo Nguyên bài thơ "Người của phố, phố của người"', với những câu thơ đầy ấn tượng về người nghệ sĩ tài hoa: "Ông ngồi đó như ông đồ phố cũ/ Gọi quá khứ về qua nét vẽ tài hoa/ Thử hỏi một Thăng Long, phố cũ/ Sẽ còn gì nếu thiếu vắng ông…".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gọi quá khứ qua nét vẽ tài hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.