Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gọi doanh nghiệp đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách

Thanh Hiền| 15/05/2012 07:19

(HNM) - Sớm hình thành một hệ thống giết mổ GSGC hiện đại, tập trung để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô là yêu cầu cấp bách.


Hà Nội đang rất cần xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại, bảo đảm ATVS môi trường và VSATTP.    Ảnh: Hoàng Minh

Một trong những vấn đề gây bức xúc hiện nay của Hà Nội là vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong giết mổ GSGC. Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ tập trung với dây chuyền hiện đại, công suất bình quân 300-500 con/ngày, nhưng lại không thể hoạt động, do không cạnh tranh được với các cơ sở nhỏ lẻ (các cơ sở nhỏ lẻ chi phí thấp và khả năng phục vụ linh hoạt). Một số cơ sở đã phải dừng hoạt động như Minh Khai, Phúc Thịnh... trong khi những điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và VSATTP... đang cung cấp tới hơn 70% nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc và 72% thịt gia cầm của thị trường.

Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai xây dựng dự án "Quy hoạch hệ thống giết mổ, chế biến GSGC trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020". Theo Sở Công thương, đến năm 2015, nhu cầu tiêu thụ thịt GSGC của Hà Nội là 314.602 tấn và năm 2020 là 404.757 tấn. Để đáp ứng nhu cầu này, ngoài các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Hà Nội đang triển khai 12 dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung. Dự kiến, đến năm 2013 sẽ có 3 dự án đi vào hoạt động; 4 dự án còn lại sẽ hoạt động vào năm 2014. Đến thời điểm đó, các cơ sở giết mổ GSGC nói trên sẽ cung ứng ra thị trường 390 tấn thịt gia súc và 63 tấn thịt gia cầm/ngày. So với nhu cầu giết mổ công nghiệp đến năm 2015 là 325 tấn thịt gia súc và 63 tấn thịt gia cầm/ngày thì chưa cần bổ sung công suất. Nhưng đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm bình quân mỗi ngày lên đến gần 700 tấn thịt, các cơ sở giết mổ này không thể đáp ứng. Vì vậy, bên cạnh việc nâng công suất giết mổ công nghiệp, cần xây dựng thêm các cơ sở giết mổ thủ công tập trung.

Để đạt được mục tiêu này, Sở Công thương kiến nghị, các ngành chức năng và chính quyền sở tại chịu trách nhiệm về bồi thường GPMB, tạo quỹ đất sạch cho các chủ đầu tư; giảm 50% tiền sử dụng đất với những trường hợp giao đất, miễn thuế đất 11 năm kể từ ngày công trình vào hoạt động. Đồng thời, DN được thuê đất với giá thấp nhất theo khung giá thuê đất do TP quy định. TP cần hỗ trợ DN phần chênh lệch lãi vay ngân hàng so với Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển trong 5 năm. Thêm vào đó, hỗ trợ chi phí vận hành công trình xử lý chất thải trong hàng rào được đầu tư xây dựng từ ngân sách trong 2 năm đầu từ khi đưa công trình vào sử dụng; hỗ trợ 50% chi phí vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, TP khuyến khích DN đầu tư các điểm giết mổ quy mô lớn, có công nghệ cao. Quá trình cấp giấy phép xây dựng và kinh doanh cho các cơ sở giết mổ, Sở Công thương cần lưu ý bố trí cơ sở giết mổ biệt lập với khu dân cư để hạn chế tối đa về ô nhiễm môi trường; bố trí phù hợp với quy hoạch phát triển khu đô thị mới để giảm chi phí vận chuyển. UBND các huyện cần đẩy mạnh việc tìm địa điểm, gọi DN đầu tư vào hoạt động này để giảm gánh nặng cho ngân sách. Với các lò giết mổ thủ công, trước mắt vẫn cho phép hoạt động, nhưng phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực hoạt động.

Năm 2013, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 58 điểm giết mổ GSGC tập trung tại 17 huyện, thị xã, cung ứng gần 130 tấn thịt các loại ra thị trường. Từ nay đến năm 2020, ngoài nâng công suất của 7 cơ sở giết mổ công nghiệp đã có, sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 cơ sở mới tại huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ với diện tích 20ha, nâng tổng công suất lên 212 tấn thịt các loại. Đến thời điểm đó, các cơ sở giết mổ GSGC tập trung sẽ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu thịt GSGC. Kinh phí đầu tư cho hoạt động này từ nay đến năm 2020 khoảng 4.052 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gọi doanh nghiệp đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.