(HNM) - Mặc dù trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 không ít ý kiến lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng nghẽn mạng cục bộ vào thời điểm trước và sau Giao thừa. Song năm nay, nghẽn mạng đã không xảy ra, đây là năm chống nghẽn thành công của các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ di động.
Theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đơn vị chủ quản hai mạng Mobifone và Vinaphone, do đã sẵn sàng phương án chống nghẽn nên tại các điểm tập trung đông người xem bắn pháo hoa, vui chơi như khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, lưu lượng cuộc gọi của hai mạng trên lưu thoát rất tốt. Theo Vinaphone, trong đêm ba mươi Tết tỷ lệ cuộc gọi thành công đạt 96% và các ngày sau đó là 98%, lượng tin nhắn gửi đi thành công đạt 98% và 100% cuộc gọi vào tổng đài chăm sóc khách hàng thành công. Vinaphone cho biết, để phục vụ tốt nhất cho khách hàng, không chỉ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực sẵn sàng xử lý tình huống, mà tại các cửa hàng giao dịch trên toàn quốc cũng hoạt động bình thường để phục vụ khách hàng trong những ngày Tết. Theo Công ty Thông tin di động VMS-Mobifone, việc chống nghẽn mạng dịp Tết thành công hơn năm trước vào đêm ba mươi Tết và rạng sáng mùng một Tết, khách hàng có thể thực hiện cuộc gọi và nhắn tin thông suốt như ngày bình thường. Công ty Viễn thông Viettel, nhà mạng có lượng thuê bao lớn nhất hiện nay cho biết, nhà mạng này không xảy ra sự cố nghẽn mạng nào, các thuê bao liên lạc, nhắn tin thông suốt trong đêm Giao thừa.
Dù rằng, theo một số phản ánh trên các diễn đàn mạng vẫn còn đôi lúc xảy ra hiện tượng phải gửi lại tin nhắn, nhưng đây có thể coi là năm chống nghẽn thành công của các nhà cung cấp dịch vụ di động, mà cụ thể là của 3 nhà mạng chủ chốt giữ thị phần khống chế, đang quản lý hơn 100 triệu thuê bao là Viettel, Vinaphone, Mobifone.
Đại diện của ba nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đều cho rằng việc chống nghẽn mạng dịp Tết năm nay thành công có sự góp phần từ các trạm thu phát sóng 3G. Trong đó sự có mặt của trạm thu phát sóng này tại các khu vực đông dân đã góp phần giảm tải cho mạng 2G. Một yếu tố khác là các nhà mạng đã tích lũy được kinh nghiệm chống nghẽn mạng trong việc sẵn sàng phương án và xử lý tình huống sau nhiều năm hoạt động, nhất là khi lượng thuê bao mới phát triển ngày càng nhiều. Mặt khác, không thể không kể đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước Tết, Bộ đã có chỉ thị yêu cầu các DN bảo đảm thông tin liên lạc trong dịp Tết, đồng thời không được khuyến mãi nếu không bảo đảm về mạng lưới. Bộ cũng bác bỏ đề xuất xin giảm cước di động của 2 tập đoàn Viettel và VNPT nhằm tránh xảy ra cuộc đua về giá có thể khiến các DN "lơ là" bảo đảm chất lượng cuộc gọi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.