(HNM) - Ngày 3-12, lái xe Nguyễn Thanh Khoa điều khiển xe tải rơmoóc chở rô bốt ép cọc nặng tới 60 tấn qua cầu Vồng (cầu tạm, tại Vĩnh Long) - vốn chỉ chịu được tải trọng 30 tấn trở xuống - đã làm sập cầu. Thiệt hại về kinh tế lên tới hàng tỷ đồng, chưa kể một hướng lưu thông từ Vĩnh Long về Trà Vinh bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Đây chỉ là một trong những ví dụ về hậu quả do phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép lưu hành trên đường bộ đang diễn ra khá phổ biến trong phạm vi cả nước. Đây là nguyên nhân chính khiến hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng, dẫn tới mất an toàn giao thông và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải tại hội nghị trực tuyến diễn ra ngày 11-12, tình trạng xe chở quá tải tham gia giao thông đường bộ đang diễn ra rất phức tạp. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, có tới 50% số lượng xe chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép, có xe vượt quá tải trọng đến 200%.
Xử lý, ngăn chặn tình trạng xe vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép không dễ dàng. Ngày 10-1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 95/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá trọng tải. Tuy nhiên, tình trạng này mới chỉ giảm ở những nơi, những lúc có hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Ngày 19-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1966/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Trong kế hoạch phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm này của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an ngày 21-11, nhiều biện pháp đã được đưa ra như, huy động lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đường bộ, lực lượng cảnh sát khác (khi có yêu cầu) thực hiện tuần tra kiểm soát; khảo sát kỹ tuyến đường thường xuyên có vi phạm; trang bị phương tiện, thiết bị kiểm tra, kiểm soát... và xử lý nghiêm vi phạm.
Đứng ở góc độ chủ xe hoặc doanh nghiệp vận tải thì lợi nhuận là trên hết. Chở quá tải đồng nghĩa với việc chủ xe hoặc doanh nghiệp vận tải giảm được giá vận chuyển. Đây cũng chính là điều mà chủ hàng cần. Tại hội nghị trực tuyến nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đưa ra cái nhìn có vẻ cảm thông nhưng bản chất không có gì khác: Không lái xe và chủ phương tiện nào muốn chở quá tải trọng, nhưng chủ hàng, chủ xếp dỡ tìm mọi cách để "lèn" cho thật đầy hàng nhằm giảm giá vận chuyển. Chủ phương tiện phải chấp nhận chuyện này vì xe không thể chạy không. Cuối cùng, lái xe vì công ăn việc làm nên phải vi phạm. Việc tuần tra, kiểm soát xét cho cùng cũng chỉ mới như "bắt cóc bỏ đĩa", mới xử lý được phần "ngọn". Cái "gốc" của vấn đề nằm ở chỗ cần có chế tài xử phạt thật nặng và việc thực hiện chế tài được triển khai nghiêm túc từ chân hàng đến nơi giao hàng, công bằng với tất cả doanh nghiệp vận tải.
Một xe chở quá tải không phải vật tàng hình di chuyển trên đường. Để từ kho hàng, đi trót lọt đến nơi đổ hàng, hầu như tài xế nào cũng phải "đối mặt" rất nhiều trạm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông... Tình trạng nhiều "con voi" (quá tải trọng) "chui lọt lỗ kim" khiến dư luận không thể không đặt ra nhiều nghi vấn. Trở lại vụ việc xe quá tải làm sập cầu đã đề cập ở trên, nhiều ý kiến cho rằng, để một chiếc xe nặng hàng chục tấn như vậy lưu thông trót lọt từ TP Hồ Chí Minh đến Vĩnh Long mà không bị kiểm tra, có trách nhiệm của lực lượng chức năng các địa phương. Vì vậy, có thể nói nếu cái "gốc" của tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ không được xử lý rốt ráo thì đây vẫn mãi là chủ đề "nóng" cho vấn nạn đường hỏng, cầu sập và tai nạn gia tăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.