Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ

Khánh Khoa| 16/06/2015 04:36

(HNM) - Luật Đất đai 2013 có nhiều điểm mới, gỡ vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, nhưng cũng có những điểm bất cập so với quy định cũ, khiến chính quyền địa phương lúng túng khi triển khai.


Dự án chậm chỉ vì vài hộ chây ỳ

Theo Luật Đất đai 2013, trường hợp giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư thì chủ đầu tư tự thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế nảy sinh bất cập là nhiều dự án chỉ còn vài trường hợp chủ đầu tư không thỏa thuận được hoặc cố tình chây ỳ, ép giá chủ đầu tư làm cho toàn bộ dự án đình trệ, không triển khai. Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 20% dự án thực hiện theo hình thức Nhà nước đứng ra thu hồi đất, GPMB; 80% dự án do chủ đầu tư thương lượng, thực hiện GPMB, nếu không giải quyết được sẽ rất vướng cho chủ đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và môi trường đầu tư chung của thành phố. Ngoài ra, theo lãnh đạo các quận, huyện, quy định buộc cưỡng chế kiểm đếm trường hợp chây ỳ khó thực thi, bởi Luật Đất đai và các nghị định không hướng dẫn trình tự, thời điểm, thành phần... Hay trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, đất trồng lúa chuyển sang trồng cây lâu năm, cũng phải điều chỉnh biến động rất phức tạp.

Tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Ảnh: Sơn Hà


Trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội mới đây, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn, theo quy định của Luật Đất đai 2013, có hai hình thức thực hiện GPMB, giao cho chủ đầu tư trực tiếp triển khai hoặc giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tạo quỹ đất sạch rồi đấu giá. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Vũ Hồng Khanh, Trung tâm Phát triển quỹ đất không có vốn, phải phụ thuộc vào chủ đầu tư. Do đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thông qua mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch mà chủ đầu tư đã thỏa thuận được hơn 70% diện tích đất thì cho phép UBND cấp quận, huyện tổ chức cho các bên thương thảo với phần còn lại. Sau 30 ngày, nếu không đạt được thỏa thuận, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất lập hồ sơ thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường GPMB, sau đó giao chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Yêu cầu lập kế hoạch GPMB từng dự án

Theo Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, trường hợp trên chỉ là một trong nhiều vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực GPMB hiện nay. Bên cạnh đó, Hà Nội còn vướng ở chỗ, đất vườn, ao liền kề đất ở và đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, theo Luật Đất đai 2013, chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, không còn hỗ trợ 30-40% và 70% giá đất bình quân vị trí 3 như trước nên gây ra nhiều thắc mắc, khiếu kiện. Tương tự là đất nông nghiệp tự chuyển đổi thành đất ở trước ngày 1-7-2004 cũng chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, mà không được hỗ trợ dẫn đến "vênh" với chính sách đã áp dụng trước đó ngay cùng một dự án. Trong khi, nhà tái định cư ở nhiều dự án không đáp ứng kịp thời cho tiến độ GPMB; tại thời điểm cần xét giao nhà, đất tái định cư để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ lại chưa có hoặc có thì chưa hoàn thiện hạ tầng. Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, có những dự án nhà tái định cư, chỉ thiếu đường điện cấp cho khu nhà mà vài tháng trời không làm xong. Quy trình xác định giá đất quá dài, thiếu quỹ nhà, đất tái định cư, vốn không đáp ứng kịp tiến độ GPMB… dẫn đến nguy cơ nhiều dự án trọng điểm của thành phố khó bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB trong những tháng tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo UBND các quận, huyện phối hợp với chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tiến độ GPMB cụ thể từng dự án gắn với điều kiện bảo đảm về vốn và nhà tái định cư; xác định cấp độ ưu tiên tổ chức thực hiện: Dự án trọng điểm của thành phố, dự án môi trường - dân sinh bức xúc, dự án giao đất dịch vụ, dự án đủ điều kiện về vốn và tái định cư... Theo Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong xác định giá đất, yêu cầu các quận, huyện thực hiện đúng trình tự, thủ tục của luật và văn bản chỉ đạo của thành phố. Trường hợp hồ sơ quản lý tại cấp xã không có hoặc không đủ xác nhận quá trình sử dụng nhà, đất, UBND cấp xã có thể tổ chức hội nghị tư vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư làm cơ sở xác nhận, báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định làm căn cứ lập, phê duyệt phương án bồi thường GPMB. Đối với cưỡng chế kiểm đếm, Ban chỉ đạo GPMB thành phố hướng dẫn các địa phương theo hướng sử dụng hồ sơ lưu trữ, kiểm đếm tổng thể diện tích đất, nhà, các công trình bên ngoài, không cắt mở khóa kiểm đếm tài sản trong nhà, sẽ phúc tra, bổ sung kiểm đếm tài sản khi cưỡng chế thu hồi đất.

Đại diện Ban Chỉ đạo GPMB thành phố cho biết đã cùng các sở tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường; đồng thời chủ trì cùng liên ngành thành phố rà soát về sự phù hợp giữa các nội dung tại Nghị quyết 09/NQ-HĐND của HĐND thành phố với các quy định của luật để báo cáo, có sự điều chỉnh kịp thời. Tính trong 4 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo GPMB thành phố chủ trì họp liên ngành giải quyết bình quân từ 10 đến 20 vướng mắc/tuần liên quan đến GPMB trên địa bàn các quận, huyện.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.