Nông nghiệp - Nông thôn

Gỡ vướng để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Nhóm phóng viên 05/07/2023 - 12:23

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là sản phẩm đầu ra chính là nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác. Tại các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bước đầu thực hiện thành công các mô hình  kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết.

Nhiều ứng dụng mới

Tiến sĩ Lâm Văn Hà và nhóm cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) đã nghiên cứu và ứng dụng thành công quy trình tái chế vỏ trứng, vỏ đầu tôm thành phân bón lá sinh học. Đây là những chất thải có số lượng lớn từ các nhà máy thực phẩm và chế biến thủy sản phía Nam, lâu nay phải đổ bỏ và tốn kinh phí xử lý chất thải.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng; oligochitosan, axit amin từ vỏ đầu tôm. Từ đó tạo ra được 2 chế phẩm phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE có chất lượng cao chuyên dùng cho cây rau và hoa cảnh.

a163.jpg
Chất thải trong chế biến thực phẩm, nông thủy sản có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón cho cây trồng,

“Chúng tôi bón thử nghiệm phân bón sinh học này cho rau cải thìa canh tác trên vùng đất xám tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm có tác động tích cực đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, tăng sức đề kháng, giảm bệnh thối nhũn, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng với chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”, Tiến sĩ Lâm Văn Hà nói.

Các nhà máy da giày phía Nam cũng hằng ngày thải ra một lượng lớn nguyên liệu da thuộc. Để tận dụng nguồn nguyên liệu này, nhóm nghiên cứu của Công ty Giải pháp công nghệ sau thu hoạch (thành phố Hồ Chí Minh) đã hoàn thiện và ứng dụng công nghệ thủy phân, loại bỏ crôm trong phế phẩm da thuộc để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm.

Ông Đặng Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ sau thu hoạch cho biết, da nguyên chất sau đó được làm trương nở, tạo mùi thơm và xay nhỏ, phối trộn làm thức ăn cho vật nuôi, thủy hải sản và phân bón sinh học. Đặc biệt, nguyên liệu này còn dùng làm thức ăn cho ruồi lính đen đẻ ra nhộng, làm thức ăn cho cá cảnh, gà sạch… Công nghệ này giúp giải quyết phế phẩm da bò trong ngành công nghiệp dệt may, biến thành sản phẩm có giá trị kinh tế với chi phí thấp và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, kỹ sư Lê Minh Vương (Công ty cổ phần Trùn quế miền Nam) đã nghiên cứu, ứng dụng thành công quy trình cho trùn quế, giun đỏ (Perionyx excavatus) ăn phân lợn, từ đó tạo ra phân trùn quế để bón cây hay trùn quế thịt làm thức ăn cho cá cảnh, gia cầm; phối trộn thức ăn cho gia súc.

Công nghệ mới này giúp xử lý phân lợn từ các trang trại chăn nuôi lớn ở phía Nam (chiếm tới 84% lượng chất thải lỏng và 34% lượng chất thải rắn trong chăn nuôi) nhanh hơn 30 ngày so với phương pháp ủ biogas truyền thống.

Cần sớm tháo “rào cản” chính sách

Tại Bình Dương, doanh nhân Huỳnh Hạnh Phúc đang bước đầu thành công với mô hình tuần hoàn chế biến phế thải từ các nhà máy làm bánh và rau, củ, quả hết hạn từ các siêu thị thành thức ăn cho gà sạch và ruồi lính đen (đẻ ấu trùng làm thức ăn cho cá cảnh, gia cầm; phối trộn thức ăn gia súc…).

a170.jpg
Doanh nhân Huỳnh Hạnh Phúc giới thiệu quy trình tuần hoàn dùng phế phẩm chế biến thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi gà sạch, trứng sạch.

Theo anh Huỳnh Hạnh Phúc, với mô hình gà sạch chăn thả tự nhiên đang được triển khai tại doanh nghiệp xã hội Kết nối xanh ở Bình Dương, để gà thành phẩm và trứng gà sạch được đưa vào hệ thống siêu thị lớn, thậm chí xuất khẩu, Kết nối xanh phải chịu sự giám sát đặc biệt về chất lượng sản phẩm từ những nơi nhập hàng này.

“Để gà ăn thức ăn công nghiệp phối trộn sẵn theo quy chuẩn chung thì quá đơn giản. Tôi đã phải tự mày mò tìm ra công thức phối trộn vỏ trứng từ nhà máy làm bánh ngọt, rau, củ, quả hết hạn từ siêu thị… để tạo ra thức ăn tổng hợp đạt chất lượng, độ dinh dưỡng theo các chỉ tiêu dưỡng chất, khoáng chất và an toàn như thức ăn công nghiệp. Sau đó mang đi kiểm nghiệm, đăng ký để loại thức ăn mới này đạt tiêu chuẩn, được phép sử dụng. Nếu như có một quy chuẩn, quy trình chung cho việc này do cơ quan có thẩm quyền ban hành, mọi việc sẽ đơn giản hơn”, anh Huỳnh Hạnh Phúc chia sẻ.

“Rào cản” chính sách còn xuất hiện trong quá trình triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến khác. Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai (nơi có đàn lợn, gà lớn nhất cả nước), hiện chưa đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác.

a169.jpg
Chưa có quy chuẩn, quy trình trong tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn đạt chuẩn trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa.

Đơn cử, người chăn nuôi bò khó sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trồng trọt như bã, thân cây, cành cây… từ các nhà máy chế biến nông sản để làm thức ăn cho bò, vì theo Luật Bảo vệ môi trường, phụ phẩm này là chất thải. Tương tự, Luật Chăn nuôi bắt phải chôn lấp tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật nuôi bị bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu xử lý số vật nuôi đó ở nhiệt độ 100 độ C, có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho vật nuôi khác một cách hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Công đề xuất: Cơ quan quản lý cần có quy định rõ ràng về chất lượng nguyên liệu tái chế và quy trình chế biến phụ phẩm… Từ đó, khuyến khích cơ sở chế biến, người chăn nuôi phát huy năng lực, sáng tạo, tận dụng phế thải thành nguyên liệu đầu vào cho chế biến các sản phẩm khác, góp phần tạo lập kinh tế tuần hoàn ở mọi lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.