Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Ngọc Quỳnh| 21/03/2023 11:33

(HNMO) - Ngành chăn nuôi đang phát triển mạnh cả về quy mô và giá trị nhưng vẫn còn khó khăn do ô nhiễm môi trường, phụ phẩm trong chăn nuôi chưa được tái sử dụng... Đây là những nội dung được thảo luận tại diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 21-3.

Xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - Tổ trưởng Tổ điều hành diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những năm qua, ngành chăn nuôi rất phát triển, quy mô tổng đàn lợn đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tạo giá trị lớn về kinh tế.

Tuy nhiên, chăn nuôi cũng kéo theo những hệ lụy như: Ô nhiễm môi trường, các phụ phẩm trong chăn nuôi chưa được tái sản xuất trong các lĩnh vực khác. Do đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sẽ là cơ hội để các đơn vị, tổ chức trao đổi, nhận diện thách thức và tìm các giải pháp đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi diễn đàn.

Với số lượng đàn heo lên tới 2,6 triệu con, tỉnh Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ chăn nuôi lợn” của cả nước. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song việc áp dụng hầm biogas còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt hơn 330.000m2. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình nuôi lợn hữu cơ, các mô hình dùng phụ phẩm chăn nuôi, mô hình sản xuất phân hữu cơ được triển khai khá nhiều. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban quản lý các dự án nông nghiệp, hiện nay, đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam. Thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh với kết quả ban đầu khá khả quan, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2.000 đầu lợn/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas. Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Thí điểm mô hình tại một số trang trại lợn quy mô hơn 5.000 con, đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.

Tiến sĩ Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần bảo vệ, tái sinh môi trường. 

Tháo gỡ “điểm nghẽn” 

Trong bối cảnh nêu trên, sản xuất theo chuỗi tuần hoàn góp phần tạo nên nền nông nghiệp sinh thái, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.

Chăn nuôi an toàn, hữu cơ là giải pháp quan trọng xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, “điểm nghẽn” hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là, muốn lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định. Chẳng hạn, muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… thì lại "vướng" bởi nó được coi là chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường.

Để tháo gỡ khó khăn, các đại biểu đều cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hoàn thiện cơ chế, chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa. Ngoài ra, cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để bảo đảm sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất. Các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn không phải mô hình lựa chọn mà là tất yếu, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông hộ trong xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình. Trong hệ sinh thái này, doanh nghiệp cần giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, chế biến...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.