Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Nhiều bài toán cần giải cùng lúc

Ngọc Quỳnh| 04/05/2023 06:23

(HNM) - Tại nước ta, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bài bản... Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, có nhiều bài toán cần lời giải cùng lúc. Trong đó có việc Nhà nước đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích; đồng thời, phải chú trọng đến công tác quy hoạch, quy trình sản xuất...

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, khép kín của Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Tuệ An

Hiệu quả nhưng còn khó khăn

Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là sản xuất theo quy trình khép kín, chất thải và phế thải của quá trình sản xuất này sẽ là đầu vào của quá trình sản xuất tiếp theo. Việc này sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm thiểu sự thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành dù mức độ hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Bà Bùi Thị Hồng Hà - Trưởng phòng Vi sinh thuộc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thông tin, trung tâm đã triển khai mô hình liên kết gà, rau tại tỉnh Thái Bình. Nhờ ứng dụng các công nghệ vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi, trang trại này đã nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng năng suất tới 40% so với phương pháp sản xuất cũ. 

Còn bà Nguyễn Thị Thu Thoan - Giám đốc Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, hợp tác xã đang triển khai mô hình chăn nuôi tuần hoàn, trong đó có sử dụng đệm lót sinh học cho chuồng trại từ nguồn phế phẩm chăn nuôi. Hằng năm, trang trại cung cấp cho thị trường 70 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, nhờ chăn nuôi tuần hoàn, khép kín, nên gà ít bị dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Đánh giá về hiệu quả của kinh tế tuần hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, các mô hình này còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao và việc liên kết các sản phẩm trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, nên chưa có nhiều mặt hàng nông sản từ các mô hình này được đưa vào các kênh phân phối hiện đại.

Cũng về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN&ptnt) Nguyễn Giang Thu cho rằng, ứng dụng khoa học, công nghệ trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp về vấn đề này còn lỏng lẻo...

Xây dựng chính sách ưu đãi

Để kinh tế tuần hoàn thực sự phát huy hiệu quả và được nhân rộng ở các địa phương, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam Nguyễn Hồng Lam cho rằng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ được những lợi ích mà kinh tế tuần hoàn mang lại, cả về kinh tế cũng như môi trường.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tuần hoàn, Sở NN&PTNT Hà Nội đang kết nối với các doanh nghiệp triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi phục vụ trồng trọt, tạo vòng tuần hoàn khép kín tại huyện Ba Vì. Hiện tại, các doanh nghiệp đang khảo sát thực tế, làm việc với chính quyền địa phương, xây dựng phương án cụ thể để tổ chức triển khai trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức đánh giá, nghiên cứu khả năng nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng cho rằng, để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7-6-2022, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là: Ưu đãi về vốn, chính sách thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao áp dụng mô hình này, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ tuần hoàn, công nghệ trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp để hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.

“Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn. Mặt khác, các địa phương cần tổng kết, đánh giá các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã và đang thực hiện trong nước, từ đó, xây dựng các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Điều quan trọng, để các mô hình kinh tế tuần hoàn đi vào cuộc sống, cần bổ sung tiêu chí phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vào bộ Tiêu chí nông thôn mới. Có như vậy mới tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...”, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Nhiều bài toán cần giải cùng lúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.