(HNM) - Tích tụ ruộng đất được xem là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tích tụ diễn ra còn chậm...
Nhỏ lẻ, phân tán
Kết quả rà soát mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện nay phương án giao đất nông nghiệp dựa theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng cho các hộ dân - có tốt, có xấu; có gần - xa; có cao - thấp, nên dẫn đến tình trạng sử dụng đất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán. Diện tích đất bình quân hộ nông dân chỉ khoảng 0,46ha và trung bình chia thành 2,83 mảnh. Nguyên nhân tích tụ ruộng đất gặp khó khăn do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông thôn diễn ra chậm. Chính sách, pháp luật đất đai chưa thúc đẩy tích tụ...
Tích tụ ruộng, đất phát triển các vùng sản xuất chuyên canh sẽ tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại Hà Nội, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa với diện tích 78.800ha, song quy mô diện tích vẫn nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Đơn cử, huyện Sóc Sơn đã có một số DN đặt vấn đề đầu tư vào nông nghiệp, nhưng với điều kiện phải gom được 100 đến 150ha và đây là điều vô cùng khó khăn. Bí thư Huyện ủy huyện Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, thời gian qua, một số đơn vị đăng ký sản xuất vùng chuyên canh nông nghiệp với diện tích từ 30 đến 35ha để trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Tiếc rằng, sau 3 tháng nỗ lực nhưng huyện vẫn chưa tích tụ đủ theo nhu cầu của nhà đầu tư...
Trên thực tế, một số nơi nông dân đã góp vốn bằng đất cùng DN để tạo ra những trang trại sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hợp thành vùng chuyên canh, gắn kết với công nghệ chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh những mô hình tốt cũng có không ít hộ gia đình chịu hậu quả và rủi ro do việc kinh doanh của DN không hiệu quả. Chuyên gia nông nghiệp, nông thôn Hoàng Trọng Thủy cho biết, một số DN được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi vào thuê đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng do đầu tư không bài bản, ngay từ năm đầu tiên đã lỗ hàng tỷ đồng. Vì vậy, DN nợ tiền thuê đất của nông dân hoặc bỏ không dự án nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Chia sẻ khó khăn của DN khi tích tụ ruộng đất, ông Trần Kiên Cường, Giám đốc phát triển dự án Tập đoàn Vingroup cho biết: "Việc triển khai các dự án nông nghiệp của đơn vị gặp nhiều rủi ro, nếu không có sự giúp đỡ, đồng hành của chính quyền địa phương sẽ khó thực hiện. Có những dự án DN ký hợp đồng trực tiếp với hơn 1.000 hộ nông dân, chỉ 1 đến 2 hộ dân phá hợp đồng không cho thuê đất thì toàn bộ dự án sẽ thất bại".
Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu
Tích tụ ruộng đất là xu hướng tất yếu để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng cao đáp ứng thị trường trong nước và thế giới. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị bàn về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tham luận tại hội nghị này, PGS.TS Trần Thị Minh Châu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để tháo gỡ khó khăn khi tích tụ ruộng đất, các bộ, ngành khi đưa ra giải pháp phải đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu, nhưng cũng phải có hợp đồng rõ ràng, bình đẳng giữa nông dân với DN; cùng với đó cần đa dạng hóa các hình thức tích tụ đất đai như: DN liên kết với nông dân trong sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thuê đất của nông dân… Tuy nhiên, đối với những dự án thuê đất rồi bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích cần phải thu hồi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tích tụ, tập trung ruộng đất phải thực hiện theo quy hoạch, không vội vàng triển khai tràn lan; quy hoạch đất đai phải theo vùng, khu vực cho phù hợp với thực tế sản xuất của mỗi địa phương. Tại hội nghị này, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã kiến nghị các bộ, ban, ngành liên quan cần tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 như: Sửa đổi hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp; xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất phù hợp với thực tế và bảo đảm minh bạch, công khai...
PGS.TS Trần Thị Minh Châu nhấn mạnh rằng, tích tụ ruộng đất là một quá trình lâu dài, không chỉ xem xét đơn thuần mà phải nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn. Một trong vấn đề mấu chốt để bảo đảm công bằng trong tích tụ ruộng đất, cần phải quan tâm đến quyền tài sản của người nông dân. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ nông dân như: Đào tạo nghề; thực hiện các chính sách an sinh xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.