(HNM) - Có lẽ người dân Hà Nội chưa quên cảnh chen lấn để giành quyền mua căn hộ dành cho người thu nhập thấp diễn ra năm ngoái tại khu CT1 Ngô Thì Nhậm. Nhưng năm nay chuyện đã khác.
Quả đúng là khó thật khi mỗi mét vuông bán ra ở một dự án trên địa bàn huyện Gia Lâm được chủ đầu tư đưa giá tạm tính gần 13,27 triệu đồng. Tức là một căn hộ có giá trị xấp xỉ cả tỷ đồng. Cả về giá trị, cả về khả năng tích lũy, huy động đều rất lớn với đa số người thu nhập thấp. Người chưa mua thì đắn đo vì khoản tiền bỏ ra quá lớn, khó huy động, còn người đã mua rồi thì lo lắng khi phải bỏ ra ngần ấy tiền, nhưng ít nhất trong 10 năm sẽ không được quyền định đoạt với khối tài sản tích lũy cả đời của mình. Thậm chí không ít người băn khoăn, ngộ nhỡ chất lượng nhà không như mong muốn, nhỡ vì lý do nào đó mà phải di chuyển thì biết làm sao?
Những tâm tư nói trên có lẽ nhà quản lý cũng nên xem xét, cân nhắc cho hợp tình hợp lý. Nhất là khi giá khái niệm NTNT dường như đã không còn đúng khi nhiều người thu nhập thấp đang phải ngậm ngùi đứng nhìn.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận một chủ trương đúng. Vấn đề cấp bách đang đặt ra và rất cần được các nhà quản lý, các cấp chính quyền địa phương (không chỉ Hà Nội, mà cả nhiều nơi khác) cần có giải pháp kịp thời, hợp lý. Dù gì những dự án NTNT hiện đã được triển khai vẫn mang tính chất thí điểm. Mà đã thí điểm thì có thể còn cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Qua những đợt bán NTNT đã bộc lộ một số bất cập. Có thể thấy, việc tính toán một mô hình nhà ở cho người thu nhập thấp chưa thật sự sát thực khi diện tích nhà lớn, giá trị căn hộ cao. Đây thực sự là rào cản đầu tiên khiến người có thu nhập thấp khó tiếp cận. Tiếp đến là các điều kiện cơ sở hạ tầng, xã hội tại các nơi triển khai dự án. Từ khu Kiến Hưng đến Sài Đồng, Đặng Xá... hầu như đều "mênh mông giữa cánh đồng", xa các trung tâm văn hóa, kinh tế... rất khó cho sinh hoạt hằng ngày của người ở, từ chuyện đi làm, rồi tiếp cận văn hóa, mua sắm sinh hoạt đến học hành của trẻ nhỏ...
Thêm vào đó, sự thiếu nhất quán trong chính sách cũng đang làm cho chủ trương này bị chệch hướng. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, chính sách ưu đãi đối với đơn vị đầu tư NTNT đang bị teo dần. Chẳng hạn, ban đầu theo Quyết định 67 ngày 24-4-2009 của Thủ tướng thì chủ đầu tư hưởng thuế GTGT 0%, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Nhưng sau đó, theo Quyết định 96, chủ đầu tư chỉ còn được giảm 50% thuế GTGT, và chỉ có thời hạn hết năm 2009, trong khi một dự án có khi phải mất mấy năm mới hoàn thiện. Đó là chưa kể việc thủ tục vay vốn từ ngân hàng không phải đã có chủ trương là xuôi chèo mát mái.
Từ thực tế trên có thể thấy rõ việc cần điều chỉnh ngay chính là quy mô căn hộ NTNT làm sao cho phù hợp với khả năng của đối tượng này. Thêm vào đó là một thái độ mạnh hơn, quyết liệt hơn của Nhà nước trong cấp vốn, quản lý và vận dụng chính sách. Đánh giá đúng và công bằng hơn đối với tài sản cho người thụ hưởng, có thể xác định điều kiện được chuyển nhượng. Chẳng hạn được quyền chuyển nhượng nếu người mua cũng đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp. Tức là tạo sự chủ động, quyền bình đẳng cho người mua nhà, nhưng vẫn giữ tính ổn định về nguồn nhà, và khả năng quản lý. Chỉ khi bảo đảm được quyền và lợi ích của cả ba bên Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thì chính sách mới thực sự hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.