(HNMO) - Chiều 28-3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trao đổi khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và các giải pháp để tháo gỡ. Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội tư vấn, nhà thầu xây dựng, các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, thi công xây dựng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, đây là hội nghị quan trọng nhằm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ mới được ban hành về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình trong năm 2022-2023 và về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Gần đây nhất, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã rà soát toàn bộ 16.005 định mức xây dựng, loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức; hoàn thành rà soát, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; xây dựng và ban hành suất vốn đầu tư cho 1km đường ô tô cao tốc. Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đã thực hiện rà soát gần 13.500/17.700 định mức dự toán cho các công tác xây dựng chuyên ngành đã công bố, loại bỏ 1.380 định mức, sửa đổi 8.226 định mức... 61/63 địa phương đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn...
Hệ thống thể chế quản lý định mức, giá xây dựng; phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng... đã bám sát hơn và phục vụ tốt hơn các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh, nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, do các tác động tiêu cực thời gian gần đây, nhất là giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động, và với yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư rất lớn, quản lý phức tạp như Dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025 trong thời gian qua, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã tiếp tục xuất hiện những bất cập không theo kịp và gây cản trở thực tiễn.
Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) Đàm Đức Biên thông tin thêm, trên thực tế đang tồn tại 2 nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức, xây dựng, ban hành, áp dụng định mức và việc tổ chức xác định, công bố giá xây dựng tại các địa phương. Trong bối cảnh giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu biến động theo hướng tăng, khó dự báo nhưng vẫn còn một số nơi phương pháp xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng vẫn theo quý nên công bố chậm, chưa kịp thời; không bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát thực tế. Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số chủng loại vật liệu xây dựng... Điều này dẫn đến việc thiếu dữ liệu để tính toán, dự trù chi phí các dự án đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá trong thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu đang triển khai thực hiện...
Các ý kiến tại hội nghị cho thấy, giá nguyên vật liệu tăng 30-40% thời gian qua khiến nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công chờ giá vật liệu xuống. Ngoài ra, tác động từ giá xăng dầu tăng khiến dự toán tổng mức đầu tư ban đầu chênh lệch rất lớn với tình hình thực tế. Trong khi đó, với dự án trọng điểm cao tốc Bắc Nam, nhiều địa phương có cao tốc đi qua thường 3 tháng mới công bố chỉ số giá 1 lần, có địa phương 1 năm công bố 1 lần khiến việc xác định chỉ số giá cao tốc không sát thực tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) Trần Dương Phúc cho rằng, cần sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có việc điều chỉnh lại một số mặt hàng liên quan đến nhiên, nguyên vật liệu xây dựng. Giá vật liệu xây dựng tăng cao bất thường thời gian dài cũng gây khó khăn cho nhà thầu thi công các gói thầu theo hình thức trọn gói. Do đó, rất cần Chính phủ có hướng dẫn giải quyết.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thanh Hải chia sẻ vướng mắc khi xác định chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt là việc khi có các định mức mới hoặc điều chỉnh thì sẽ được lập dự toán. Nhưng trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư có thể tổ chức khảo sát để chuẩn xác lại các nội dung của định mức trên cơ sở số liệu từ công trình thi công thực tế. Như vậy, trường hợp lập sau khi chuẩn xác, nếu có sự thay đổi lớn về hao phí làm ảnh hưởng đến chi phí xây dựng (tăng hoặc giảm) thì có phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hay dự toán xây dựng và hợp đồng xây dựng? Nội dung này nếu không có hướng dẫn kỹ sẽ gây thất thoát vốn của Nhà nước...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Bộ tiếp thu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng; đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.