(HNM) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chuyến thăm Italia và Vatican nhân dịp tham dự
Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa kết thúc với những tuyên bố cứng rắn về động thái tiếp theo dành cho Mátxcơva liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, nhiều nhà bình luận cho rằng, chuyến thăm của ông chủ Điện Kremlin sẽ giúp Nga gỡ thế bị cô lập từ lệnh cấm vận của phương Tây; đồng thời tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn với Giáo hội Công giáo trong việc đương đầu với những thách thức toàn cầu.
Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Thủ tướng Italia M.Renzi trong cuộc họp báo chung tại Milan. |
Không phải ngẫu nhiên Tổng thống V.Putin chọn đến Italia - một thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) tại thời điểm quan hệ giữa Nga và phương Tây đang được xem như ở ngưỡng cận kề Chiến tranh lạnh. Theo nhiều nhà phân tích, mối quan hệ giữa Nga với Italia khả quan hơn so với hầu hết các đối tác khác trong EU. Italia cũng là một trong những quốc gia không thực sự ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Ở thời kỳ quan hệ Nga - EU còn "mặn nồng", Nga từng được coi là đối tác số một của Italia về khí đốt và là nhà cung cấp lớn thứ hai về dầu mỏ. Nga cần Italia để vươn ra khu vực Địa Trung Hải, khi tập đoàn dầu khí khổng lồ của họ là Gazprom đã ký Hiệp định hợp tác với tập đoàn năng lượng lớn nhất Italia ENI từ năm 2007, để xây dựng hệ thống dẫn khí đốt từ Trung Á đến Nam Âu. Ngược lại, Italia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nga với kim ngạch trao đổi thương mại song phương hằng năm đạt trên mức 27 tỷ euro.
Tuy nhiên, từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bùng phát cùng với hàng loạt lệnh cấm vận được cả EU và Nga tung ra, lượng hàng xuất khẩu của Italia sang Nga đã suy giảm và trở thành một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng kinh tế tiếp tục èo uột và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Italia. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Italia đã giảm 17% vào năm 2014 và có thể giảm tới 21% trong năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu giảm 11,6%. Những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất là công nghiệp thực phẩm và dệt. Theo đó, lượng hàng xuất khẩu sang Nga của hai ngành này lần lượt giảm 38% và 16%. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các biện pháp trừng phạt - đáp trả giữa EU và Nga sẽ gây thiệt hại khoảng 20-22 tỷ euro cho nền kinh tế Italia trong năm nay và con số này trên thực tế có thể cao hơn số liệu công bố chính thức. Điều này đã tạo sức ép không nhỏ lên Thủ tướng Matteo Renzi - kiến trúc sư cho chương trình cải cách mới triển khai trên đất nước hình chiếc ủng hơn một năm qua. Mặc dù, những cải cách của Chính phủ về kinh tế và môi trường lao động đã có tác động tích cực nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng, song các doanh nghiệp Italia, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế) vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái. Và đây cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ "cuộc chiến" thương mại giữa Nga và EU. Không ít doanh nghiệp tư nhân của Italia cho rằng họ rất khó hoạt động hiệu quả nếu không có thị trường Nga, đồng thời kêu gọi Chính phủ đưa ra những biện pháp để thay đổi thực trạng này.
Trước những căng thẳng trong quan hệ Nga - phương Tây, chuyến thăm của Tổng thống V.Putin khó có thể khiến Italia đi ngược lại chính sách chung của EU. Thế nhưng, những lợi ích về kinh tế có thể sẽ buộc Rome phải lên tiếng yêu cầu hạn chế những biện pháp trừng phạt Mátxcơva tại cuộc gặp của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng này tại Brussels (Bỉ).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.