(HNM) - Hiện nay sức tiêu thụ sản phẩm hàng Việt giảm sút, lượng hàng tồn kho lớn, sản phẩm của nhiều DN nhỏ và vừa khó chen chân được vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
Theo Ban Chỉ đạo TƯ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt Nam chất lượng cao đang ngày càng chiếm được nhiều cảm tình của người tiêu dùng (NTD) trong nước. Kể từ khi CVĐ được triển khai đến nay, hàng Việt Nam đã đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường và dần chiếm ưu thế với 71% NTD đặt lòng tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngoài ra, quan điểm trước đây của nhiều doanh nghiệp (DN) là hàng tốt thì xuất khẩu, hàng bình thường, thậm chí kém chất lượng thì bán trong nước… đã thay đổi. Nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa, từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Tại nhiều hệ thống siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng 80-95%. Tại thời điểm này, không ít DN đã không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để đưa nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao đến người tiêu dùng.
Hàng Việt Nam ngày càng có uy tín tại thị trường nội địa. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công thương, việc quảng bá sản phẩm của nhiều DN còn yếu khiến tính cạnh tranh của một số loại hàng Việt không cao dẫn đến hàng hóa của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có "đất" tồn tại. Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan đang tăng mạnh. Các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đồ gia dụng xuất xứ Thái Lan đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu cùng loại từ các nước khác. Đặc biệt, hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu từ Thái Lan chiếm đến 70% thị phần. Ngay cả các loại hoa quả tương tự của Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan cũng chiếm đến 40% thị phần. Không chỉ ở các chợ, cửa hàng truyền thống, hàng Thái Lan đang xâm nhập vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
Theo phản ánh của nhiều siêu thị, để thay thế hàng hóa kém chất lượng, ngoài các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, người dân đang chuyển sang dùng hàng Thái Lan, nhất là các mặt hàng thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng… Đại diện hệ thống siêu thị Intimex cho biết, sự yếu kém trong việc nghiên cứu thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp với người Việt Nam và cách thức tổ chức trong khâu phân phối sản phẩm ra thị trường là những "nút thắt" khiến hàng Việt có chất lượng tốt cũng khó đến được với NTD. Mặc dù có đến 90% lượng hàng Việt, trong đó có gần 70% là hàng thực phẩm và thực phẩm chế biến được phân phối trong hệ thống siêu thị Intimex, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khiếm khuyết để các sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Vì vậy, nếu nhà phân phối ưu tiên bán hàng của các tập đoàn đa quốc gia, các sản phẩm nhập khẩu, thì nhiều mặt hàng Việt khó có chỗ đứng.
Là một trong những đơn vị có hệ thống phân phối lớn, hiện hệ thống siêu thị Co.opmart có 600 nhà cung cấp hàng Việt. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, để hàng hóa có thể vào được hệ thống siêu thị hiện đại, tiêu chí quan trọng nhất là chất lượng và sự ổn định. Siêu thị đã liên kết và hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất hoặc DN nhỏ, nhưng khi được yêu cầu cung cấp số lượng lớn, quy mô lớn thì chất lượng lại không ổn định, dẫn đến mất uy tín của siêu thị. Ngoài ra, điểm yếu của hầu hết các DN Việt là dịch vụ logistics (vận chuyển, lưu giữ, cung ứng hàng hóa…) kém đã tự mình làm mất đi cơ hội bán hàng. Yếu tố tiếp theo là nhà sản xuất phải có khả năng nghiên cứu thị trường để đưa ra sản phẩm NTD cần. Cùng một sản phẩm, chất lượng, mẫu mã như nhau thì chắc chắn những sản phẩm có yếu tố độc đáo sẽ được chọn lựa để đưa vào hệ thống phân phối.
Để hàng Việt trụ vững trên thị trường, bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của NTD, các DN cần khẩn trương nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với hàng nhập khẩu cùng loại. Đồng thời, các DN cần sớm điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo hướng độc lập tự chủ ngày càng cao để có thể giành thị phần trên thị trường nội địa. Đại diện nhiều DN cho rằng, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, xu hướng tất yếu là phải phát triển hệ thống phân phối mạnh để điều tiết mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Hy vọng, con số gần 229 tỷ đồng dự kiến cho Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ giúp tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên hơn 80% vào năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.