Nông nghiệp

Gỡ “nút thắt” trong phát triển nông nghiệp

Ngọc Quỳnh 14/10/2023 06:31

Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, Hà Nội cũng đã có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp, đưa công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu hình thành vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao... Song thực tế, một số chính sách triển khai còn chậm.

Do đó, tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ban hành quy định khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

nong-1.jpg
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Phạm Hùng

Vẫn còn tồn tại, bất cập

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn đã góp phần cho giá trị ngành Nông nghiệp từ năm 2019 đến nay đều tăng trên 2,5%. Nhờ thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Đến nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Phó Trưởng phòng Kỹ thuật chính sách (Sở NN&PTNT Hà Nội) Mai Minh Hương, thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, Hà Nội đã hỗ trợ 29.728 triệu đồng cho các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thủy sản, góp phần hình thành vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Toàn thành phố hiện có hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, 76 xã chăn nuôi trọng điểm; hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn ở các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì..., với tổng diện tích 7.229ha, năng suất 10-12 tấn/ha/năm.

Đơn cử, tại Quốc Oai, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Tuấn, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, đạt hiệu quả tốt, như: Vùng nhãn chín muộn ở Đại Thành, giá trị sản xuất khoảng 42-44 tỷ đồng/năm; vùng sản xuất chè an toàn với diện tích 45ha, sản lượng chè khô đạt 120-130 tấn/năm, giá trị 6-6,5 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện cơ chế, chính sách ở một vài lĩnh vực còn chậm trễ, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, như: Vấn đề tích tụ ruộng đất tập trung; thủ tục vay vốn, thế chấp tài sản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp... Những điểm nghẽn này khiến chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp công nghệ cao.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, các doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận chính sách giá thuê đất, thuế. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...

Để chính sách hiệu quả hơn trong thực tiễn

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023, quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường...

nong-2.jpg
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Nguyễn Quang

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh đề nghị: Để các hợp tác xã tiếp cận chính sách mới của Hà Nội trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp các hợp tác xã hiểu rõ, kịp thời thực hiện các bước tiếp cận và thụ hưởng...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, để chính sách khuyến nông đạt kết quả cao, huyện đề xuất thành phố sớm ban hành hướng dẫn quy định về xây dựng cơ sở hạ tầng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định 12 nhóm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Khi chính sách được áp dụng sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025, góp phần tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên trên 70%, phát triển chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh.

Để chính sách phục vụ thực tiễn, hằng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã cần bố trí tăng thêm kinh phí hỗ trợ theo khả năng cân đối ngân sách; rà soát, tham mưu HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách liên quan để nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng an toàn, hiện đại, đa lợi ích...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng:
Mở hướng phát triển đặc thù

ong-hung.jpg

Việc nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm... đã mở hướng đi mới cho các hộ, hợp tác xã nông nghiệp.

Theo đó, thành phố hỗ trợ 100% cho tư vấn thiết kế xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm, tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn cho đối tượng tham gia thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp, nghiệp vụ hoạt động du lịch; hỗ trợ máy móc, thiết bị chuyển đổi số; hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm…

Đây sẽ là căn cứ thực tế để huyện xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, đô thị; hình thành, phát triển các mô hình trang trại kết hợp du lịch thực nghiệm nhằm tăng tỷ suất dịch vụ cho các xã thuần nông.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản:
Nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ trong sản xuất

ong-than.jpg

Thực hiện Nghị quyết số 10/2018/ NQ-HĐND ngày 5-12-2012 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội đã giúp nền kinh tế nông nghiệp huyện Thường Tín chuyển biến rõ nét. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Các lớp tập huấn đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, hợp tác xã về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng.

Phát huy hiệu quả từ Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, HĐND thành phố khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023, trong đó, tiếp tục quy định cụ thể việc hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Huyện Thường Tín sẽ phối hợp Sở NN&PTNT xây dựng chương trình tập huấn sát thực tế phát triển tại địa phương, mở rộng nội dung tập huấn đa chiều, có phản biện để chính sách phục vụ thực tiễn.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý:
Đáp ứng sự mong mỏi của các hợp tác xã

ba-duong.jpg

Điều 13 Nghị quyết số 08/2023/ NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố, quy định về chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp, rất hữu ích trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ, hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát và điều khiển dinh dưỡng tự động; thiết bị cảm biến; thiết bị quan trắc môi trường; mua camera, đường truyền, phần mềm để vận hành hệ thống. Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/cơ sở. Đây là chính sách nhiều hợp tác xã đang mong mỏi.

Từ năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã bắt tay xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết. Hiện nay, các loại rau, củ, quả của hợp tác xã đều được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) định kỳ lấy mẫu kiểm tra chất lượng và đều đạt tiêu chuẩn. 100% sản phẩm rau của hợp tác xã sau thu hoạch và sơ chế đều được dán tem QR code. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sạch, môi trường nông nghiệp xanh...

Đỗ Minh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “nút thắt” trong phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.