Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ nút thắt thiếu nguyên, phụ liệu sản xuất

Lam Giang| 04/09/2022 06:33

(HNM) - Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các ngành hàng lớn như dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn khi nhập khẩu nguyên, phụ liệu đầu vào cho sản xuất. Để gỡ nút thắt này, việc chủ động nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước được coi là “chìa khóa” giúp các ngành hàng duy trì sản xuất, tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại.

Sản xuất hàng dệt may tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang

Nguồn cung thiếu và gián đoạn

Thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tới các nước thành viên các hiệp định thương mại đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) 7 tháng qua đạt 27,77 tỷ USD, tăng 21,5%...

Thực tế này cho thấy, các ngành hàng, doanh nghiệp đã thể hiện khả năng thích ứng, bắt nhịp nhanh với các điều kiện và tận dụng tối đa ưu đãi thuế của các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu toàn cầu đang gây sức ép lớn lên các ngành hàng, trong việc tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho hay, phần lớn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất ngành dệt may phải nhập khẩu, do tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 40-45%. Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung ứng nguyên, phụ liệu.

Tương tự, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân thông tin, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa của ngành gần đây đã cải thiện đáng kể, hiện đạt 55% (riêng mặt hàng giày thể thao đã đạt 70-80%) song nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất của ngành khá hạn chế. Trong đó, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc chiếm tới 60% đang gặp khó trong nhập khẩu khi nước này thực hiện chiến lược “zero Covid”. Vì thế, các doanh nghiệp da giày nhỏ phải thu hẹp sản xuất hoặc giảm đơn hàng.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gần đây cho thấy, có 52% doanh nghiệp gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó tiêu biểu là ngành dệt may và da giày. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ trọng xuất khẩu thời gian tới, bởi để được hưởng ưu đãi thuế trong các hiệp định thương mại tự do, các ngành hàng cần bảo đảm yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất phải có xuất xứ nội địa hoặc từ 
các nước trong khối có chung hiệp định thương mại.

Chủ động nguồn nguyên, phụ liệu - “chìa khóa” cho tăng trưởng     

Từ thực tế những đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành dệt may trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vương Đức Anh cho rằng, làm chủ nguồn cung nguyên liệu trong nước là “chìa khóa” giúp tăng trưởng bền vững. “Chúng tôi đã có chiến lược phát triển chuỗi cung ứng nội địa trong hệ thống tập đoàn, từ sợi, dệt, nhuộm, may và hướng đến trở thành một nhà cung cấp trọn gói, một điểm đến cho các doanh nghiệp là khách hàng lớn. Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ phát triển chuỗi dệt kim hoàn chỉnh”, ông Vương Đức Anh nói.

Để khắc phục khó khăn, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang tập trung phát triển dòng nguyên, phụ liệu theo hướng sản xuất xanh, sạch, bền vững để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa bảo đảm ổn định sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng. Một giải pháp được ngành da giày đưa ra là nhập khẩu nguyên liệu chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đạt giá trị xuất khẩu cao hơn. Để thực hiện mục tiêu này, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tìm kiếm các đối tác cung ứng nguyên, phụ liệu trong khối thị trường có hiệp định thương mại nhằm tận dụng ưu đãi về thuế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Da giày - Túi xách và Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn, Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035”, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới. Việc này giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các trung tâm cung ứng nguyên, phụ liệu cho ngành, đáp ứng tốt nhất yêu cầu xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do.

Để gỡ “nút thắt” nguyên liệu sản xuất, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, các ngành hàng Việt Nam cần tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực, đặc biệt phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng và thị trường tới những nước có hiệp định thương mại mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ nút thắt thiếu nguyên, phụ liệu sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.