(HNM) - Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm nay TP Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 22 xã đạt chuẩn nhưng các địa phương đã đăng ký thêm 29 xã.
Như vậy, số xã có thể hoàn thành xây dựng nông thôn mới của Hà Nội năm 2017 là 51 xã. Để giúp các xã sớm "cán đích", Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đang tích cực tháo gỡ các "nút thắt" đối với chương trình có ý nghĩa hết sức to lớn này.
Vốn đầu tư - "Nút thắt" lớn nhất
Trường học đạt chuẩn là một trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là tiêu chí cần nhiều vốn và khó thực hiện ở nhiều xã trên địa bàn thành phố. Đơn cử, tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, do cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy thiếu thốn, phòng học xuống cấp... nên trường tiểu học và trung học cơ sở của địa phương chưa đạt chuẩn. Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nguyễn Thị Hằng cho biết, trong năm nay Mỹ Thành phấn đấu hoàn thành NTM nhưng gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng trường học, đường giao thông, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa… bởi nhu cầu kinh phí khá lớn.
"Khát" vốn đầu tư là thực trạng chung ở nhiều xã của huyện Mỹ Đức. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, trong 21 xã của huyện, có 11 xã đạt nhóm tiêu chí thủy lợi về xây dựng NTM. Tương tự, tiêu chí trường học có 6 xã đạt, cơ sở vật chất văn hóa 6 xã đạt, chợ nông thôn 11 xã đạt… Năm nay, huyện Mỹ Đức phấn đấu có thêm 3 xã (Mỹ Thành, Hợp Tiến, Tuy Lai) hoàn thành xây dựng NTM nhưng đều gặp khó khăn về vốn.
Để giải "cơn khát" vốn, thành phố cho huyện Mỹ Đức đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu xây dựng NTM nhưng việc đấu giá gặp vô vàn khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ đấu giá thành công ở các địa phương rất thấp và giá trúng thầu chỉ được 1 triệu đồng/m2.
Tại Ứng Hòa, ngoài 12 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, năm nay huyện chọn 4 xã (Trường Thịnh, Quảng Phú Cầu, Trung Tú, Kim Đường) tập trung đầu tư để hoàn thành chương trình. Song nhiều xã đang chật vật trong việc huy động nguồn lực đầu tư làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... Nguyên nhân do gặp khó khăn trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt trong khu dân cư, thành thử địa phương phải trông cậy vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước...
Những khó khăn, vướng mắc của huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa cũng chính là thực trạng chung của nhiều huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Rà soát, tháo gỡ đồng bộ
Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho các huyện thuần nông xây dựng NTM. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu như: Trường học, trạm y tế xã, cơ sở vật chất văn hóa...; hỗ trợ kinh phí rà soát điều chỉnh đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM, nhất là các xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan tham mưu thành phố xem xét tăng mức hỗ trợ các dự án giao thông, thủy lợi nội đồng cho các địa phương còn nhiều khó khăn theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND, ngày 6-7-2012, của UBND thành phố.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ - địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn vốn xây dựng NTM, kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư hỗ trợ nông dân giống sản xuất; đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống điếm canh đê, nâng cấp mặt đê sông Hồng qua địa bàn huyện Phú Xuyên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, đẩy mạnh chính sách phát triển làng nghề; đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng dự án cấp nước sạch cụm Thụy Phú; dự án giết mổ gia súc tập trung tại xã Tri Thủy, Quang Lãng; đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa...
Trong đợt kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại địa phương vừa qua, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy lưu ý: Để đạt kết quả cao trong xây dựng NTM, các địa phương dứt khoát phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia xây dựng NTM. Các xã, thôn đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, còn xã chưa hoàn thành phải giải quyết dứt điểm vướng mắc, khó khăn. Liên quan đến công tác quy hoạch, hiện nay ở nhiều địa phương có sự thay đổi so với những năm đầu lập quy hoạch và xây dựng đề án NTM, do vậy, các huyện, thị xã rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong đề án xây dựng NTM cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn về vốn trong xây dựng NTM, ông Lê Thiết Cương, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy cho biết, cùng với nguồn kinh phí của thành phố, các huyện cần tăng cường vận động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công cho xây dựng NTM. Hiện nay, các quận vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các huyện kinh phí và công trình cụ thể trong xây dựng NTM. Ngoài ra, thành phố sẽ điều tiết, cân đối để tiếp thêm nguồn lực giúp các địa phương sớm "cán đích" NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.