(HNM) - Huyện Đan Phượng đang tích cực gỡ các
Trang trại trồng hoa lan của Công ty Phát triển công nghệ cao Toàn Cầu ở xã Phương Đình là một trong những dự án đầu tiên của huyện Đan Phượng được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mô hình này khẳng định tính ưu việt như đem lại giá trị thu nhập cao gấp hàng chục lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho 20 lao động địa phương.
Theo bà Nguyễn Kim Cúc, quản lý trang trại trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao của Công ty Phát triển công nghệ cao Toàn Cầu, mô hình của công ty đã đi vào hoạt động cách đây được 2 năm. Trước đó, huyện Đan Phượng tạo mọi điều kiện để công ty thuê quỹ đất công và một phần diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân xã Phương Đình để xây dựng trang trại với quy mô 3,4ha. Hiện nay, trang trại trồng hơn 60.000 cây hoa lan với hơn 50 loại và màu hoa khác nhau.
Qua tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Đan Phượng đã thu hút một số dự án đầu tư lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Dự án của Tập đoàn Vingroup về bảo tồn nguồn gen, đầu tư sản xuất rau hữu cơ và hoa quả; dự án trồng nấm và hoa lan của Công ty Phát triển công nghệ cao Toàn Cầu; dự án bảo tồn nguồn gen và trồng cây dược liệu ở xã Đan Phượng... Từ thành công bước đầu, huyện Đan Phượng đang tập trung hỗ trợ để mở rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các xã trên địa bàn huyện.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không đơn giản, bởi phải có nguồn vốn đầu tư lớn cho công nghệ, xây dựng hạ tầng, nhân lực chất lượng cao. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Đan Phượng ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính và mặt bằng sản xuất.
Thuận lợi hơn, hệ thống đường giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện được đầu tư khá đồng bộ để phục vụ sản xuất. “Chúng tôi tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp; đồng thời, gửi thông điệp đến doanh nghiệp khó chỗ nào, vướng ở đâu, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo huyện sẽ được tháo gỡ kịp thời” - Bí thư Huyện ủy huyện Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.
Do quỹ đất công có hạn nên việc tích tụ đất đai trên địa bàn huyện Đan Phượng khá nan giải, đa số doanh nghiệp phải thuê lại đất của nông dân với thời hạn nhất định. Tháo gỡ khó khăn này, đầu năm 2017, huyện Đan Phượng giao chính quyền các địa phương và hợp tác xã đứng ra làm “trọng tài” thuê lại đất nông nghiệp của nông dân, sau đó giao cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, bước đầu xã Tân Lập và Tân Hội đã giao mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao. Từ đây, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về đất đai, mặt khác tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi nghề nghiệp sang phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại có thu nhập cao hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.