Xã hội

“Gỡ khó” trong quản lý dịch vụ karaoke

Nguyễn Thanh 15/07/2023 07:03

Đội ngũ cán bộ cơ sở “mỏng”, nhiều quy định còn chồng chéo, hiện trạng nhiều cơ sở kinh doanh không theo kịp các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy… là những tồn tại, bất cập sau hơn 4 năm triển khai, thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (Nghị định 54).

luc-luong-chuc-nang-kiem-tr.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Thực tế này đòi hỏi có thêm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn cháy nổ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

69% cơ sở kinh doanh bị đình chỉ hoạt động

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau hơn 4 năm đi vào đời sống, Nghị định 54 đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, đưa hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường đi vào nền nếp. Bên cạnh những thuận lợi, công tác này còn không ít khó khăn đến từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài cho biết, sau gần 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi được hoạt động trở lại, hàng loạt cơ sở karaoke tiếp tục phải đóng cửa do không bảo đảm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ phá sản, phải chuyển nhượng hoặc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh khác.

Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho thấy, cả nước hiện có 15.161 cơ sở kinh doanh karaoke, đa số nằm xen cài trong khu dân cư, diện tích mặt bằng nhỏ, được xây nhiều tầng, ngăn chia thành nhiều phòng hát, sử dụng nhiều vật liệu trang trí nội thất, cách âm, đồ nội thất, thiết bị điện, điện tử... Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Sau đợt tổng kiểm tra rà soát, cả nước đã có 10.482/15.161 cơ sở bị đình chỉ hoạt động hoặc ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 69%.

Khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị định 54 còn thể hiện ở việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành qua các thời kỳ không có sự thống nhất. Lực lượng thanh, kiểm tra mỏng, công tác kiểm tra chưa thực hiện thường xuyên. Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa đồng bộ… Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nêu: “Quy định tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định 54 chưa thể hiện rõ ràng, cụ thể về đối tượng phân cấp, ủy quyền nên đã phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện”. Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân, chưa có quy định xử lý hành vi cơ sở kinh doanh không chấp hành yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục vi phạm, khiến hiệu lực thực thi kém hiệu quả.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Trước thực trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an và Bộ Xây dựng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp, bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cũng như bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ.

Kiến nghị với các bộ liên quan, nhiều địa phương cùng đề xuất: Điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, tạo sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện; bổ sung quy định đối với các loại hình kinh doanh biến tướng của hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở…

Khẳng định ngành Văn hóa tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo thẩm quyền; chỉ đạo sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở văn hóa và thể thao các địa phương kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke, vũ trường.

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề nghị Bộ Công an rà soát các quy định tại Thông tư số 147/2020/TT-BCA về biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ; Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung QCVN 06:2022/BXD bảo đảm phù hợp với tình hình mới; UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc xây dựng quy hoạch về vị trí cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, phù hợp với quy hoạch đô thị của địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke chuyển đổi mục đích kinh doanh do không thể khắc phục được vi phạm theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Gỡ khó” trong quản lý dịch vụ karaoke

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.