(HNMO) - Chiều 8-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, với 90,43% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa (thay thế Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND ngày 11-7-2014).
Nghị quyết gồm 3 chương với 12 điều, trong đó quy định mức tiền phạt một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, vi phạm quy định về lưu chiểu, lưu trữ, nhân bản, tàng trữ phim: Phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với hành vi nhân bản phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm phổ biến. Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức.
Nghị quyết quy định, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận. Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức.
Phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Đối với vi phạm quy định về thi người đẹp, người mẫu, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14). Phạt tiền từ 6 đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
Đối với vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h mỗi ngày (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 15).
Đối với vi phạm quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi treo, trưng bày tranh, ảnh, lịch hay đồ vật khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; kích động bạo lực tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác.
Trong báo cáo thẩm tra tờ trình và dự thảo Nghị quyết về quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa ở nội thành thành phố Hà Nội, Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, Nghị quyết quy định mang tính nguyên tắc nâng mức tiền phạt bằng 2 lần mức phạt đối với các hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP là đảm bảo thống nhất với các quy định tại Điều 20 Luật Thủ đô, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và rõ ràng, thuận lợi tổ chức thực hiện.
Ban Pháp chế đề nghị bỏ các điều từ Điều 4 đến Điều 11, lý do là phạm vi hành vi vi phạm được Nghị quyết quy định nâng mức phạt đã được nêu tại khoản 2 Điều 1 (quy định về đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết) và mức phạt cụ thể đã được quy định theo nguyên tắc áp dụng bằng hai lần mức phạt quy định với hành vi tương ứng trong Nghị định số 38/2021/NĐ-CP mà Nghị quyết đã quy định tại Điều 2 (quy định về nguyên tắc áp dụng). Việc bỏ các điều trên nhằm tránh nêu lại các nội dung đã được Nghị định quy định và đã được quy định tại điều khác trong cùng Nghị quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.