An toàn thực phẩm

Gỡ khó kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Quỳnh Dung 14/09/2024 - 07:29

Hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống được ngành Y tế địa phương kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, do phần lớn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế nên vẫn còn vi phạm. Để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gắn với xử phạt nghiêm minh...

doan-kiem-tra-lien-nganh-cua-huyen-thuong-tin-kiem-tra-banh-trung-thu-tai-mot-sieu-thi-tren-dia-ban.-anh-huong-giang.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Thường Tín kiểm tra sản phẩm bánh trung thu tại một siêu thị trên địa bàn. Ảnh: Hương Giang

Khó khăn trong truy xuất nguồn gốc

Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 10 cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm, song phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình… nên việc thực hiện đầy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật còn hạn chế. Thậm chí, một số cơ sở hoạt động theo mùa vụ hoặc hoạt động kém hiệu quả, không được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý…

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên, trên địa bàn huyện có 934 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế quản lý thì có 806 cơ sở thuộc cấp xã quản lý. Hàng hóa thực phẩm ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã. Trong khi đó, nhân lực thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm ở tuyến cơ sở xã, thị trấn còn mỏng, đa số công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Điều này khiến công tác tham mưu, triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là hoạt động kiểm tra còn hạn chế.

Đáng lưu ý, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận, vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, việc thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại thực phẩm cũng gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tự công bố sản phẩm.

Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường thông tin, trên địa bàn huyện hiện có 1.120 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành Y tế quản lý, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm ở các cơ sở nhỏ lẻ rất khó khăn do tình trạng quảng cáo, bán hàng trực tuyến tăng nhanh trên các nền tảng số hóa, công nghệ, việc kinh doanh thực phẩm trên các website, mạng xã hội phổ biến diễn ra ngày càng đa dạng, không cố định địa điểm... gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh và giám sát an toàn thực phẩm đối với các hành vi vi phạm tại cơ sở còn hạn chế.

Tăng cường giám sát, hậu kiểm

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản nhận định, từ nay đến cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để kiểm soát an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, văn bản liên quan công tác quản lý an toàn thực phẩm… đến người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Huyện chủ động đa dạng hóa loại hình tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai cơ sở vi phạm trên Cổng thông tin điện tử thị xã và hệ thống đài truyền thanh các xã, phường…

Còn Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Đặng Ngọc Quyền cho biết, thời gian tới, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm. Các xã đề xuất các sở, ngành tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng thực phẩm để phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, bán hàng online, có hướng dẫn quản lý, xử lý hoạt động kinh doanh online.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội Đặng Thanh Phong, hiện nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tuyến cơ sở tuy chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Hà Nội tăng cao, nhất là vào dịp cuối năm. Do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm; thực hiện nghiêm kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; tổng hợp, thống kê cơ sở thực phẩm; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý...

Đặc biệt, các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, phường, thị trấn; bố trí đủ nguồn kinh phí triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo chọn sản phẩm thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ; không sử dụng thực phẩm bị ôi thiu, biến chất, kém chất lượng; kịp thời phát hiện, tố giác trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm với cơ quan chức năng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.