Càng gần đến dịp rằm tháng Tám, thị trường các sản phẩm bánh kẹo, bánh Trung thu càng sôi động, sức mua tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh những thương hiệu uy tín, hiện vẫn còn không ít cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, thủ công, làm theo tính chất “mùa vụ”, bán các sản phẩm không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Liên tiếp thu giữ các sản phẩm bánh Trung thu “nhiều không”
Để bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu, trong tháng 8-2024, lực lượng chức năng liên ngành của Hà Nội đã liên tục ra quân, kiểm tra và phát hiện, thu giữ hàng trăm sản phẩm bánh Trung thu và các sản phẩm bánh kẹo khác có dấu hiệu nhập lậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngày 6-8, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 quận Ba Đình do Đội Quản lý thị trường số 3 làm Trưởng đoàn công tác đã kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại phố Tân Ấp (phường Phúc Xá, Ba Đình). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại) mà không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Tiếp đến ngày 7-8, Đoàn công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa ở phố Đặng Dung (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Tại đây, Đoàn công tác đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh nướng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Ngày 13-8, Đội Quản lý thị trường số 24 tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ 161, đường La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm gồm: 40 bánh Trung thu (bánh nướng, loại 500g/cái); 72 gói bánh kem xốp loại 200g/gói, tất cả 2 loại sản phẩm này đều in nhãn bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ.
Ngày 22-8, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm tại số 47 ngõ 10 đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, Hà Đông. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 1.408 chiếc bánh Trung thu và 1.210 bao thuốc lá điếu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Gần đây nhất, ngày 29-8, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 phát hiện, thu giữ tổng số 560 chiếc bánh Trung thu nhãn hiệu Withyoung do nước ngoài sản xuất. Tổ công tác yêu cầu chủ nhân xuất trình giấy tờ liên quan nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhưng không có.
Lo ngại các sản phẩm bánh Trung thu “nhà làm”
Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; đặc biệt là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa hậu quả các vụ việc vi phạm liên quan về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đối với các mặt hàng bánh Trung thu handmade “siêu rẻ” bán trôi nổi trên thị trường hoặc chào bán trên các nền tảng mạng xã hội, cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát việc mua bán. Bởi người bán hàng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố có sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong thời gian ra quân kiểm tra các sản phẩm bánh Trung thu, Chi cục đã lấy mẫu kiểm nghiệm của các loại bánh Trung thu của khoảng gần 20 khách sạn 3 sao, 5 sao trên địa bàn thành phố để kiểm tra thì kết quả đều đạt.
Tuy nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không mua các loại bánh trung thu “siêu rẻ” hay giảm giá trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ; những sản phẩm trôi nổi, hàng lậu. Người dân chỉ nên mua các sản phẩm phải có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng. Ngoài ra, khi mua bánh, người tiêu dùng nên quan sát kỹ, chọn sản phẩm không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc và có mùi khác lạ. Mặt khác, người tiêu dùng cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.