Nghị quyết và Cuộc sống

Đồng bộ hóa hạ tầng giao thông

Tuấn Lương 16/08/2023 - 06:43

Hàng loạt công trình, dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác thời gian qua đã góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.

Đó cũng là nỗ lực nhằm thực hiện các mục tiêu đã được đề ra tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

gt.jpg
Cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực. Ảnh: Nguyễn Quang

Nỗ lực với nhiều dự án lớn

Tháng 10-2022, đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội đã khánh thành công trình xây dựng hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Đây là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô. Sau khi thông xe và đưa vào khai thác, hầm chui này góp phần giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu.

Tới tháng 1-2023, dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) cũng hoàn thành, tạo thành tuyến giao thông đồng bộ, hiện đại.

Mới nhất, ngày 30-6-2023, sau 18 tháng thi công, vượt qua rất nhiều khó khăn, dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch cũng đã được hoàn thành, giải quyết tình trạng ùn tắc tại một trong những nút giao trọng yếu trong khu vực nội đô.

Đó chỉ là một trong nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm được các ban, ngành của thành phố nỗ lực triển khai thời gian qua nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thủ đô theo quy hoạch. Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, cùng với các dự án đã hoàn thành, Ban đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; hầm chui tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng trên đường Vành đai 2,5; tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; cải tạo quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai… Đây đều là các dự án giao thông trọng điểm nhằm từng bước khớp nối các tuyến đường vành đai, trục đường hướng tâm, góp phần từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ của thành phố. Đặc biệt, ngay sau khi khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có vai trò kết nối liên vùng vào tháng 6-2023, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đang cùng đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công việc, sớm đưa dự án hoàn thành trước năm 2027.

Xây dựng cơ chế, chính sách khả thi

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội chỉ rõ mục tiêu: Phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị lên khoảng 12-15% diện tích đất đô thị; phát triển nhanh hạ tầng giao thông, các trục giao thông song hành kết nối đô thị trung tâm - đô thị vệ tinh; phát triển hệ thống đường vành đai, đường hướng tâm, các cầu qua sông, các tuyến quốc lộ, các tuyến đường sắt đô thị… Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ hết sức nặng nề và nhiều thách thức đặt ra.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để bảo đảm giao thông vận tải Thủ đô đáp ứng được yêu cầu thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt 20-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt 50-55%... Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,35%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt 17,8%. Trong khi đó, hằng năm, tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông tăng từ 4 đến 5%. Vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông là không thể tránh khỏi và vẫn đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Trong đó, Vành đai 3 chưa khép kín; Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 mới chỉ đang trong giai đoạn đầu tư. Hệ thống các tuyến đường hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ hướng tâm hiện có. Hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống kết nối khu vực hai bên sông còn thiếu. Hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác…

Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, thành phố Hà Nội đang khẩn trương rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng tâm để tập trung hoàn thành theo từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi. Trước mắt tiếp tục cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố để đầu tư. Bên cạnh đó, để bảo đảm có đủ nguồn lực đầu tư cần xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch, bao gồm vốn từ ngân sách; vốn vay ODA; vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng; phát hành trái phiếu; đấu giá đất; kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư)…

Đặc biệt, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù riêng về huy động nguồn lực cho đầu tư các tuyến đường sắt đô thị. Trong đó có việc triển khai xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) khai thác quỹ đất tại các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị để tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý, khai thác, vận hành.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội nên phát huy tinh thần quyết liệt, vào cuộc đồng bộ, khẩn trương, ưu tiên nguồn lực khi triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào các dự án khác. Cùng với các cơ chế, chính sách khả thi, Hà Nội sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ hóa hạ tầng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.