(HNMO) - Ngày 14-10, đoàn công tác thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền làm trưởng đoàn đã làm việc với huyện Ứng Hòa về phát triển kinh tế trên địa bàn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà tham dự buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng lúa mỗi vụ đạt trên dưới 8.000ha; 3 cụm công nghiệp và 21 làng nghề.
Trong công tác đầu tư công năm 2022, toàn huyện giải ngân khoảng 560 tỷ đồng, đạt trên 25% kế hoạch giao. Công tác giải phóng mặt bằng đang tiến hành triển khai 15 dự án giao thông với diện tích thu hồi 112,6ha, đã bàn giao mặt bằng 69,8ha. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất tổ chức được 2 phiên đấu giá đất với tổng diện tích 2.096m², số tiền thu được hơn 38 tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả đã thực hiện, huyện Ứng Hòa đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kiến nghị thành phố và các sở, ngành tháo gỡ. Cụ thể, trong công tác giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ ở một số dự án; tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn thấp; công tác quản lý đất đai ở một số xã, thị trấn chưa chặt chẽ; tình hình vi phạm, lấn chiếm đất đai và vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra; các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, ít mô hình được thực hiện và hỗ trợ.
Tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp Xà Cầu, Cầu Bầu (xã Quảng Phú Cầu) giai đoạn 2 chậm, chưa bảo đảm đúng kế hoạch phê duyệt dự án. Vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại các làng nghề trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp triệt để; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung khu vực nông thôn còn thấp (đạt 34%)...
Để bảo đảm phát triển kinh tế, đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, huyện Ứng Hòa đề nghị ngành Nông nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, kết nối các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; quan tâm hỗ trợ huyện kinh phí dựng nông thôn mới; thành phố có cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng hạ tầng khung như giao thông, thủy lợi, công thương... kết nối trong và ngoài huyện; hỗ trợ huyện kinh phí thực hiện một số dự án giao thông, thủy lợi nội đồng; dự án cấp bách như đê điều; đẩy nhanh phê duyệt và các thủ tục liên quan đến cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn...
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành: NN&PTNT, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường... đều đưa ra giải pháp cùng địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, bảo đảm tiến độ và cam kết của địa phương với thành phố.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, với từng nhóm vấn đề, trong đó có việc xây dựng nông thôn mới của huyện Ứng Hòa, cần đi vào thực chất. Nước sạch, vệ sinh môi trường là vấn đề bức xúc dân sinh, yêu cầu địa phương phối hợp sát sao với doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án với tinh thần quyết liệt, khó đâu giải quyết ngay đó.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Đối với vấn đề quy hoạch, cả huyện và các sở ngành liên quan cần thay đổi tư duy. Huyện tiếp tục là vành đai xanh của Thủ đô nhưng không có nghĩa là chỉ có cấy lúa, nuôi trồng thủy sản mà cần quy hoạch lại các tổ hợp cụm, điểm công nghiệp, khu dịch vụ đô thị bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Để Ứng Hòa dần tự chủ trong phát triển, hạn chế phụ thuộc nguồn lực đầu tư của thành phố, cần khai thác tiềm năng, thế mạnh từ dịch vụ, du lịch, công nghiệp, đô thị xanh bền vững. Đối với vấn đề quy hoạch và xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành cùng Sở NN&PTNT sớm rà soát các tiêu chí để đưa vào kế hoạch năm 2023.
Về phía huyện Ứng Hòa, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kiện toàn lại bộ máy cán bộ, thích ứng sự thay đổi của cơ chế chính sách và chỉ đạo mới của thành phố. Huyện cần làm tốt hơn nữa thủ tục đầu tư các dự án, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ. Thành phố sẽ nghiên cứu để sớm có cơ chế đặc thù cho các huyện khó khăn khu vực phía Nam, trong đó có Ứng Hòa thêm nguồn lực phát triển...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.