Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ ''điểm nghẽn'' trong sản xuất nông nghiệp: Bảo đảm nguồn cung cho thị trường

Ngọc Quỳnh| 24/09/2021 08:42

(HNMO) - Sản xuất nông nghiệp cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân trên cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp và vật tư, nguyên liệu chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tập trung gỡ những “điểm nghẽn” thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và xuất khẩu.

Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm.

Đối mặt với thách thức

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả nước hiện vẫn duy trì ổn định. Diện tích lúa hiện đạt 7.266 nghìn ha, năng suất dự kiến 59,5 tạ/ha, sản lượng dự kiến trên 43,3 triệu tấn thóc. Sản lượng rau các loại 8 tháng của năm 2021 đạt khoảng 12,5 triệu tấn, tăng 2,2%; tổng đàn lợn khoảng 26,67 triệu con, tăng 4,5%; đàn gia cầm 515 triệu con, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 8 tháng của năm 2021 đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và phần lớn doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, trong việc duy trì sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, theo Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Bùi Quang Vinh, việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc... Thực tế sản xuất cho thấy, doanh nghiệp không thể bố trí đủ cơ sở vật chất thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức này. Chưa kể, chi phí cho sản xuất, kho lạnh, lưu kho... đều tăng.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, nhiều doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, nguyên liệu vào khu vực sản xuất. Chi phí vận tải biển tăng 6-7 lần, thậm chí đến 10-13 lần... ở một số chặng mà doanh nghiệp không đặt được tàu và container để xuất khẩu... Giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng 16-30%, trong khi đó, giá sản phẩm giảm sâu, có loại chỉ bằng 30% giá thành.

 Công ty cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đầu vào...

Cùng với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, còn nhiều thách thức mà ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương chưa giải quyết được như: Hạ tầng nông nghiệp còn yếu kém, sản xuất nhỏ lẻ, chế biến chủ yếu dưới dạng thô, bảo đảm an toàn thực phẩm còn thấp nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm, thị trường tiêu thụ chịu tác động từ cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi… ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn… tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Để chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) đề xuất, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng để ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển, đề nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng của năm 2022); giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

 Các địa phương đang tập trung sản xuất nông nghiệp để ổn định nguồn cung cuối năm và đầu năm 2022.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch để nông dân yên tâm sản xuất; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu thụ nông sản và vận chuyển giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất. Các địa phương cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hạn chế thiệt hại.

Cùng với đó là tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn để tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng, có mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ; sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tồn ứ sản phẩm.

Để ngành Nông nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp như: Xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành Nông nghiệp; miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 để khôi phục sản xuất…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu dịp cuối năm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ ''điểm nghẽn'' trong sản xuất nông nghiệp: Bảo đảm nguồn cung cho thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.