Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn và nông dân (“tam nông”) là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Do đó, hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quan trọng này.
Hiện, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ doanh nghiệp khoảng 31,5%; dư nợ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khoảng 68,3%; còn lại là dư nợ hợp tác xã và đối tượng khác. Đáng chú ý, tín dụng cho “tam nông” đang thu hút nhiều ngân hàng tham gia, qua đó giúp đa dạng kênh vay vốn cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện cả nước có hơn 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với mạng lưới mở rộng, phủ khắp đến vùng sâu, vùng xa; qua đó giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay cùng dịch vụ đi kèm một cách dễ dàng và phù hợp hơn.
Kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; trong đó nổi bật là xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo… Đáng chú ý, vốn tín dụng đã từng bước đáp ứng các nhu cầu của cá nhân, tổ chức từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xuất khẩu sản phẩm, góp phần tích cực hỗ trợ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tuy vậy, với nhu cầu ngày càng lớn, tín dụng cho “tam nông” vẫn còn những điểm nghẽn đáng chú ý cần sớm tháo gỡ. Đó là chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm vẫn còn hạn chế, chiếm lượng nhỏ trong dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, dù đã có các quy định khuyến khích nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ ràng. Quá trình thẩm định, xét duyệt và quản lý khoản vay trong lĩnh vực này cũng còn nhiều trở ngại, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn…
Nguồn vốn từ ngân hàng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn rất cần thiết và là nguồn lực lớn giúp cho nông dân thoát nghèo và đời sống ngày càng tốt hơn. Tuy vậy, muốn sử dụng đồng vốn hiệu quả, ngoài chính sách của các ngành chức năng, các ngân hàng cần giúp nông dân thay đổi tư duy, không ỷ lại vào bất kỳ chương trình hỗ trợ cho vay nào để chủ động tiếp cận nguồn vốn. Nói cách khác, cần giúp người nông dân hình thành tư duy thị trường, phải hiểu và tự chịu trách nhiệm với nguồn vốn vay, hỗ trợ của mình để sử dụng hiệu quả hơn.
Thêm một vấn đề quan trọng nữa là mặc dù ngân hàng đã có những điều kiện khi cho vay nhưng rủi ro là không thể tránh. Do vậy, tổ chức tín dụng bên cạnh ban hành các chính sách, điều kiện chặt chẽ, cần giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã khi tiếp cận nguồn vốn phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, từ đó rủi ro sẽ giảm.
Cùng với tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng; ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng nông nghiệp, nông thôn thông qua phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, ngành Ngân hàng cần tổ chức khảo sát nhu cầu để xây dựng sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng phân khúc khách hàng, các thủ tục vay vốn cần có sự rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của mọi đối tượng. Thêm nữa, các tổ chức tín dụng cần mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ở khu vực nông thôn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho hoạt động cung cấp tín dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.