Nông nghiệp - Nông thôn

Tín dụng cho "tam nông": Hiệu quả nhưng còn vướng mắc

Bạch Thanh 13/12/2023 - 19:40

Việc vay vốn từ Agribank của Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) tương đối thuận lợi, từ làm hồ sơ đến thẩm định cho vay chỉ mất vài ngày...

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, rất nhiều nông dân trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để đồng vốn phục vụ "tam nông" phong phú, hiệu quả, giải "cơn khát" tín dụng ở nông thôn, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ nhiều phía.

Giúp nông dân làm giàu

Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long (huyện Thanh Oai) chia sẻ, việc vay vốn từ Agribank của Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long tương đối thuận lợi, từ làm hồ sơ đến thẩm định cho vay chỉ mất ít ngày. Có những thời điểm, Hợp tác xã được vay vốn lên tới gần 20 tỷ đồng. Từ đồng vốn ưu đãi, Hợp tác xã duy trì nuôi 500 con lợn nái và 5.000 con lợn thương phẩm. Đến nay, mỗi ngày, Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn thịt lợn, trong đó, gần một nửa sản lượng được chế biến thành giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, nem chua...

htx-chan-nuoi-hoang-laong1.jpg
Từ đồng vốn ưu đãi, Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long duy trì nuôi 500 con lợn nái và 5.000 con lợn thương phẩm.

Không riêng Thanh Oai, đồng vốn từ Agribank cũng giúp nông dân huyện Phú Xuyên làm giàu. Hộ gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng ở thôn Bái (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) được vay 300 triệu đồng vốn ưu đãi từ Agribank.

Anh Thắng chia sẻ, trong ba năm qua, gia đình đầu tư trang trại đa canh phát triển ổn định, mở thêm nhiều dịch vụ phục vụ bà con trong vùng, thu nhập của gia đình từ nhiều nguồn nên ngày càng ổn định, phát triển...

htx-chan-nuoi-hoang-laong.jpg
Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long gắn chăn nuôi với chế biến, tiêu thụ, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Đức Chính cho hay, nông dân trên địa bàn chủ yếu phát triển kinh tế trang trại và rau màu. Những năm qua, đồng vốn "tam nông" đã giúp gần 200 hộ dân trên địa bàn xã mở rộng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với dư nợ tín dụng đạt hơn 20 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng cho biết thêm, thời gian qua, người dân trong huyện được tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển nông nghiệp và các chương trình cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây chính là bệ đỡ, động lực giúp hàng chục nghìn nông dân nỗ lực, tự tin vươn lên làm giàu, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương.

minh-tan-px.jpg
Từ đồng vốn của Agribank, nông dân xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mở rộng sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, việc tiếp cận vốn vay của Agribank trên địa bàn rất thuận lợi, dễ dàng. Rất nhiều hộ dân tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay để cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình. Chương trình hỗ trợ vay vốn của Agribank cũng nằm trong ba chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế trên địa bàn, an ninh chính trị được bảo đảm...

Nhận diện khó khăn, đẩy nhanh khắc phục

Bên cạnh kết quả tích cực, để đồng vốn "tam nông" đến với nhiều nông dân hơn nữa, rất cần sự vào cuộc của các đơn vị, cấp ủy địa phương cùng tháo gỡ khó khăn.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Hà Nội II Lê Đình An cho biết, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NÐ-CP trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Các dự án cho vay chưa có mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nhiều hộ nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng bị hạn chế so với nhu cầu vay vốn.

Mặt khác, các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả nên khó khăn trong việc xem xét, thẩm định cho vay và quản lý vốn vay.

minh-tan-px1.jpg
Từ đồng vốn của Agribank, nông dân xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mở rộng sản xuất nông nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 55, khách hàng chỉ được dùng “Giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp” do UBND xã xác nhận để vay vốn tại một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhiều UBND xã chưa quan tâm, vẫn ký các thủ tục xác nhận để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng mà không thực hiện thu hồi Giấy xác nhận đã cấp hoặc cấp giấy xác nhận đối với một số thửa đất không có điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, theo Giám đốc Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Mê Linh Đinh Thu Hương, hiện, nhiều người trẻ tuổi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phụ thuộc vào tài sản bố mẹ, nếu không được sự đồng ý của bố mẹ sẽ khó tiếp cận được vốn vay. Trong khi đó, đây là nhóm thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, có khát vọng làm giàu đang cần nhiều vốn.

Mới đây, tại chương trình giám sát tín dụng chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa đề nghị, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cần có thêm chính sách ưu tiên cho Ngân hàng Agribank về vốn để tăng cơ hội hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân.

Bà Phạm Hải Hoa cũng đề nghị, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đủ điều kiện, hạn chế tối đa việc xác nhận về đất đai của UBND các xã, phường, thị trấn; rà soát, cấp giấy trang trại cho các hộ gia đình đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước làm cơ sở hoạch định chính sách phát triển; đề nghị Ngân hàng Agribank các chi nhánh phối hợp các cấp Hội Nông dân thành phố tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng tổ vay vốn, quan tâm thành lập thêm các tổ vay vốn, kết nạp thêm thành viên; tăng cường cho vay theo quy định...

Thời gian qua, các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; đồng thời, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác huy động nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu vay vốn của nhân dân, đặc biệt ưu tiên tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Tổng số kinh phí cho vay tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn thành phố theo Nghị định số 55 đến nay đạt khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, Chi nhánh Agribank II Hà Nội đạt trên 5.400 tỷ đồng, Chi nhánh Agribank Mê Linh đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng nguồn vốn năm sau cao hơn năm trước... Nguồn vốn vay chủ yếu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi... Qua đó, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng cho "tam nông": Hiệu quả nhưng còn vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.