Đô thị

Quản lý giao thông đô thị cần những giải pháp quyết liệt hơn

Vũ Thủy 09/11/2023 - 12:49

Sáng 9-11, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố đã giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị.

Đoàn giám sát số 1 do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn làm việc với UBND quận Thanh Xuân; Đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND thành phố do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Xây dựng về nội dung trên.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cùng dự buổi giám sát tại UBND quận Thanh Xuân.

dung.jpg
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân báo cáo, giải trình rõ một số nội dung.

Áp lực giao thông ngày một gia tăng ở quận Thanh Xuân

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cho biết, quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, các khu đô thị mới, chung cư cao tầng liên tục được xây dựng và đưa vào hoạt động. Toàn quận hiện có 120 tòa nhà chung cư cao tầng, 251 tòa chung cư cũ; 50 tuyến phố có tên; 1.588 tuyến ngõ, ngách. Hệ thống đường giao thông chủ yếu là đường ngõ có chiều rộng nhỏ dưới 3m, các phương tiện xe cơ giới không tiếp cận được.

Các tuyến phố chủ yếu được hình thành khi chưa có quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông quận Thanh Xuân được phê duyệt, do vậy nhiều tuyến đường có chiều rộng hè nhỏ. Mặt khác, các bến bãi phục vụ giao thông tĩnh hạn chế nên tình trạng xe đỗ trên hè, dưới lòng đường thường xuyên diễn ra, mặc dù các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Hằng năm, UBND quận đã thực hiện đầu tư, cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn 11 phường nhằm bảo đảm an toàn giao thông, nâng cấp hệ thống thoát nước ngõ ngách, giải quyết tình trạng úng ngập.

Đặc biệt, quận đã đầu tư cải tạo lát đá, bê tông vân đá vỉa hè các tuyến phố Hạ Đình, Nguyễn Quý Đức, Hoàng Đạo Thành, Lê Văn Thiêm, Vũ Trọng Phụng..., đồng thời đang triển khai tuyến phố Nguyễn Tuân, đường vào cụm 3 trường Thanh Xuân Nam, chuẩn bị khởi công cải tạo chỉnh trang vỉa hè đường Khuất Duy Tiến, Nhân Hòa, phố Vọng (đoạn thuộc địa bàn quận Thanh Xuân).

Hiện tại, UBND quận cấp 118 giấy phép tạm thời sử dụng hè phố (trong đó 58 giấy phép gia hạn trông giữ phương tiện giao thông, 9 giấy phép trung chuyển vật liệu xây dựng; 51 giấy phép đào hè đường); thu phí sử dụng hè đường được hơn 3 tỷ đồng.

Dù có cố gắng, song đáp ứng về phương tiện, hạ tầng hạn chế nên địa bàn quận còn nhiều khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực giao thông đô thị. Nguyên nhân do thực trạng hạ tầng giao thông quận Thanh Xuân có nhiều tuyến phố có chiều rộng đường và hè nhỏ, trong khi các dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn chưa triển khai được do vướng về cơ chế, chính sách đầu tư. Vì vậy, tình trạng ô tô đỗ trên các tuyến đường vẫn còn xảy ra.

Một số tuyến phố, chiều rộng hè nhỏ trong khi chưa có các điểm sắp xếp xe phù hợp và đủ lớn, do vậy người dân vẫn để xe làm hạn chế lối đi cho người đi bộ.

Ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, vì lợi ích trong hoạt động kinh doanh lấn chiếm để kinh doanh buôn bán, sắp xếp phương tiện lộn xộn gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; lực lượng chức năng mỏng, không thể bố trí liên tục để kiểm tra, xử lý các trường hợp tái lấn chiếm...

ha.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại buổi giám sát.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà chia sẻ, quận là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng của thành phố, với tốc độ đô thị hóa cao, dân số đông, dẫn đến nhiều điểm ùn tắc giao thông, phát sinh nhiều bất cập trong quản lý giao thông đô thị.

Trưởng đoàn giám sát cũng ghi nhận, trước khó khăn trên, quận Thanh Xuân đã ban hành các kế hoạch đến 11 phường để thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, trưởng ngành liên quan từ quận đến phường chịu trách nhiệm về kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn đơn vị mình quản lý. Trong đó, chú trọng đến cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mương, rãnh thoát nước, đầu tư công trình giao thông và đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện quy hoạch giao thông đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu; mới thực hiện được 1/4 bãi đỗ xe; tình trạng vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán, phương tiện dừng đỗ sai quy định trên các tuyến phố vẫn còn diễn ra, trong nhiều khu đô thị trên địa bàn quận tình trạng đỗ xe ngăn cản giao thông gây bức xúc nhân dân còn nhiều.

Vì thế, thời gian tới, Trưởng đoàn giám sát đề nghị quận Thanh Xuân cần có giải pháp quyết liệt hơn trong tổ chức giao thông, xử lý vi phạm. Cùng với đó, quận cần chú trọng đến công tác rà soát quy hoạch về giao thông, xem xét đề xuất giải pháp có tính khả thi để tham mưu với thành phố và các sở, ngành liên quan trong đầu tư dự án bãi đỗ xe.

Về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị quận Thanh Xuân trong xử lý cần có quan điểm rõ, tránh nể nang; cần thiết nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng Đề án nhà nước cho người dân thuê vỉa hè đủ điều kiện bảo đảm giao thông, mỹ quan đô thị để kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông phải thay đổi cách thức, tránh lối mòn thì mới nhanh chóng khắc phục hạn chế; đồng thời xử phạt của các cơ quan chức năng trong vi phạm giao thông đô thị cần quyết liệt hơn nữa.

tien.jpg
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận buổi giám sát tại Sở Xây dựng.

Quản lý hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của đoàn giám sát, Sở Xây dựng đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực giao thông đô thị. Trong đó, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch chuyên ngành, như: Quy định về quản lý cây xanh đô thị; Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị; Kế hoạch trồng mới 500 nghìn cây xanh đô thị; Kế hoạch phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; về hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2023…

Các văn bản đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thống nhất, có tính khả thi trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp triển khai quyết định của UBND thành phố quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố như hệ thống chiếu sáng, công viên cây xanh, hệ thống cấp thoát nước…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng đoàn giám sát cũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra như công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật còn nhiều vướng mắc, tồn tại dẫn đến ảnh hưởng trong giao thông đô thị trên địa bàn thành phố, như: Việc quản lý vận hành hệ thống thoát nước và các trạm xử lý thoát nước chưa đồng bộ, nhiều điểm úng ngập chưa được giải quyết dứt điểm; công tác bàn giao quản lý, tiếp nhận sau đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp đã được Sở tổ chức thực hiện nhưng còn chậm, còn tồn tại nhiều vướng mắc trong việc xử lý chuyển tiếp tại các địa phương...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Sở Xây dựng trong triển khai các nhiệm vụ theo chức năng trong công tác thẩm định, quản lý chất lượng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật; công tác quản lý, đầu tư, khớp nối và tiếp nhận sau đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…

Với những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng chủ động tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, cơ chế, từ đó đề xuất, báo cáo kịp thời với UBND thành phố để chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, Sở đánh giá tình hình triển khai, rà soát lại các quy hoạch; có biện pháp quyết liệt đối với việc bàn giao hạ tầng các khu đô thị; quản lý sau đầu tư để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tiễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý giao thông đô thị cần những giải pháp quyết liệt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.