Đô thị

Giao thông đô thị Hà Nội: Cần những giải pháp thiết thực

Việt Tuấn 18/09/2023 - 06:30

Thời gian qua, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội đã tăng cường giám sát các lĩnh vực quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giao thông…. Qua giám sát, Ban Đô thị ghi nhận nhiều khó khăn, bất cập.

Để tạo đột phá cho giao thông đô thị trong thời gian tới, cần sớm có những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

ham-chui-le-van-luong.jpg
Sau khi đưa vào sử dụng, hầm chui Lê Văn Lương giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nút giao đường Lê Văn Lương, Tố Hữu với Vành đai 3. Ảnh: Quang Thái

Ùn tắc vì lưu lượng phương tiện gấp nhiều lần thiết kế

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết, hiện hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Cầu Thanh Trì có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Theo quy hoạch phát triển giao thông - vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để bảo đảm giao thông - vận tải Thủ đô đáp ứng được các yêu cầu thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt từ 20-26% diện tích; đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 50-55%.

Nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng 10%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đến 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%. Hằng năm, các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm. Vì vậy, diễn biến giao thông Thủ đô ngày càng phức tạp, tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm không thể tránh.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư nhiều tuyến đường giao thông có tính chất liên huyện, liên tỉnh, đường vành đai; xây dựng nhiều cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thúc đẩy giao thương giữa các vùng và phát triển kinh tế - đô thị. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch (Vành đai 3 chưa khép kín; Vành đai 2,5 mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hoàn thành. Hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 1 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng. Loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn (BRT) mới chỉ hình thành được 1/8 tuyến.

Song hành với hệ thống đường giao thông đô thị là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung. Hiện Hà Nội chưa có công trình được thực sự đầu tư đồng bộ bao gồm hệ thống cáp điện lực, viễn thông, cấp nước, thoát nước...

Hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam cho biết, để giải quyết những bất cập trên, trước mắt cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp quy; có các cơ chế để phát triển giao thông đi trước một bước, sau đó là kịp thời ban hành văn bản dưới Luật. “Thủ đô Hà Nội đang sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn 2065, lập quy hoạch Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 là thời điểm thích hợp để tập trung nguồn lực, trí tuệ, xác định các định hướng cơ chế tạo đột phá cho giao thông”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, thời gian tới, thành phố cần xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết cho lĩnh vực đầu tư giao thông, bảo đảm phù hợp với lộ trình phát triển đô thị và khả năng huy động nguồn lực. Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khung, quan trọng cần chủ động, tập trung đi trước một bước trong việc nghiên cứu tiền khả thi, khả thi dự án để phục vụ cho việc kêu gọi, chuẩn bị nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh công tác di dời các trường đại học, y tế ở khu vực nội đô đồng bộ với việc xây dựng các cụm trường đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo quy hoạch để giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nội đô.

Về cơ chế, chính sách, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, thành phố nên tập trung, ưu tiên nguồn lực và lĩnh vực đầu tư vào các dự án giao thông có tính chất quan trọng, quy mô lớn, là động lực trong việc tạo thành mạng lưới giao thông khung; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý ổn định, hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nhà nước; đồng thời quyết liệt, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng tạo các quỹ đất sạch cho dự án giao thông theo đúng tiến độ yêu cầu, gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cấp, ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao thông đô thị Hà Nội: Cần những giải pháp thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.