Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp người lao động vượt khó khăn

Nhóm phóng viên| 07/07/2021 06:28

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng giá trị gói hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Dư luận đánh giá rất cao về gói an sinh xã hội lần thứ hai này kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có tác dụng hỗ trợ kịp thời những người lao động đang gặp khó khăn, đồng thời thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận tiền hỗ trợ tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), tháng 10-2020. Ảnh: Đỗ Tâm

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Việc bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng đã thể hiện tính nhân văn

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP lần này tuy kinh phí thấp hơn so với gói lần trước, song đã bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng mới, chuyển hỗ trợ lao động tự do cho địa phương tự bố trí. Đặc biệt, Nghị quyết cũng đưa ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch, thể hiện chính sách rất nhân văn, ý nghĩa và kịp thời của Đảng, Nhà nước ta.

Ngoài bảo đảm an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ lần này sẽ góp phần phục hồi, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, nhất là những người đang tạm thời mất việc, lao động tự do.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Văn Cương:
Bảo đảm khoản hỗ trợ đến đúng đối tượng

Để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và công khai, đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã giảm 2/3 thủ tục hành chính so với gói hỗ trợ lần trước. Doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ không phải đóng 0,5% mức lương cho bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp mà sẽ trả số tiền này cho người lao động. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng để hỗ trợ người lao động được học tập, đào tạo, mỗi người được 1,5 triệu đồng/tháng (không quá 6 tháng), hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, hỗ trợ người lao động ngừng việc, hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Tôi tin rằng, gói hỗ trợ bảo đảm chính sách phủ kín đến người cần hỗ trợ. Việc cần thiết lúc này là các cấp ủy sẽ cùng vào cuộc với các cấp chính quyền, đơn vị chức năng để khẩn trương rà soát đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn, bảo đảm khoản hỗ trợ đến đúng người một cách kịp thời nhất. 

Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng:
Chính sách kịp thời để phục hồi sản xuất, kinh doanh

Điểm mới từ chính sách hỗ trợ này là điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được nới lỏng hơn, thủ tục không rườm rà. Doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải bảo đảm tiền vay song vẫn giữ nguyên điều kiện không có nợ xấu để trả lương ngừng việc đối với lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng và thời hạn vay vốn dưới 12 tháng... Trong bối cảnh hiện nay, đây là chính sách rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình:
Mong sớm được tiếp cận gói chính sách an sinh xã hội

Hai năm trước, tôi chung vốn cùng bạn bè mở một cơ sở mầm non tư thục. Vừa hoạt động được vài tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, trường phải nghỉ liên tục, số trẻ theo học giảm dần, buộc chúng tôi phải đóng cửa cơ sở mầm non. Vài tháng nay, thu nhập của tôi chủ yếu trông vào việc đi làm thêm tại các gia đình, nhưng nhu cầu ngày càng giảm vì tình hình kinh tế khó khăn do đại dịch, gia đình nào cũng thắt chặt chi tiêu.

Tôi rất mong chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sẽ có những hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về thủ tục để những người gặp khó khăn thực sự do đại dịch được tiếp cận gói chính sách an sinh xã hội rất ý nghĩa này.

Chị Nguyễn Thị Huyền, đường Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Giúp người lao động tự do ổn định cuộc sống

Tôi là lao động tự do, hiện thuê trọ và sinh sống tại Hà Nội từ hơn 4 năm nay, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Theo tìm hiểu của tôi, Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu rõ chính sách với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/ người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Việc hỗ trợ trên thể hiện rõ phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước ta. Thực sự, mức hỗ trợ tuy không lớn nhưng cũng phần nào giúp những người lao động tự do như chúng tôi ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp người lao động vượt khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.