(HNM) - Người khuyết tật là đối tượng yếu thế, nên cần được trợ giúp về nhiều mặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để giúp người khuyết tật tự vươn lên, các chính sách trợ giúp cần triển khai linh hoạt, phù hợp với từng dạng tật, trong đó việc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm có vai trò quan trọng.
Tạo cơ hội việc làm
Cơ sở dạy nghề - việc làm 3/12, đường Đông Ngạc, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm có 100% lao động là người khuyết tật. Ông Nguyễn Kim Khôi, chủ cơ sở cho biết, việc dạy nghề miễn phí, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật gắn liền với hành trình “tìm lại chính mình” của cá nhân ông. Năm 2004, sau một vụ tai nạn, từ một người bình thường, ông Khôi trở thành người khuyết tật khi không may bị mất chân trái và nửa bàn chân phải. Điều này khiến ông rất buồn, sống khép kín suốt thời gian dài. Cho đến một ngày ông nhận ra, chỉ cần không đầu hàng số phận, người khuyết tật vẫn có thể làm chủ cuộc sống. “Suy nghĩ đó thôi thúc tôi thành lập cơ sở dạy nghề - việc làm 3/12 vào năm 2009. Sau hơn 10 năm hoạt động, tôi đã giúp hơn 100 người khuyết tật biết nghề may, có việc làm để nuôi sống bản thân. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt từ các cơ quan chức năng và cộng đồng”, ông Nguyễn Kim Khôi chia sẻ.
Ngoài cơ sở dạy nghề - việc làm 3/12, nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng, nhiều người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội đã mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và những người cùng cảnh ngộ. Có thể kể đến ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art), phường Vạn Phúc, quận Hà Ðông; bà Ðinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn; bà Hoàng Thị Khương, Giám đốc Công ty TNHH Thêu tranh, ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, xã Quất Động, huyện Thường Tín…
Sau khi được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, nhiều người khuyết tật đã sử dụng hiệu quả đồng vốn. Ông Nguyễn Văn Bộ, cụm 5, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ cho hay: “Năm 2018, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi với số tiền 20 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Sử dụng số tiền này để trồng rau, cây ăn quả, đến nay, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập đủ trang trải cho các sinh hoạt thường nhật”.
Cần thêm những giải pháp đòn bẩy
Thống kê của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có khoảng 102.000 người khuyết tật (chiếm 1,3% dân số), trong đó có hơn 40% nằm trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động. Nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật tự vươn lên, ngày 10-10-2013, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thực hiện “Ðề án trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2020”, đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động được học nghề, tạo việc làm. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm thành phố trích ngân sách hàng tỷ đồng để tổ chức dạy nghề miễn phí cho những người khuyết tật có nhu cầu học nghề.
Triển khai Kế hoạch 161/KH-UBND, các ngành, đoàn thể, địa phương có nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút hơn 15.000 người khuyết tật tham gia học nghề. Sau học nghề, hơn 4.000 người đã có việc làm, thu nhập. Việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật cũng được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Tính chung, đến thời điểm này, Hà Nội có hơn 30% số người khuyết tật còn khả năng lao động đã có việc làm. So với cả nước, số người khuyết tật ở Hà Nội có việc làm đạt tỷ lệ cao, nhưng con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa đạt mục tiêu đề ra. “Nguyên nhân là vì một bộ phận không nhỏ người khuyết tật và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti. Mặt khác, thời gian dạy nghề quá ngắn, một số nghề đào tạo miễn phí không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường, khiến người khuyết tật khó tiếp cận với cơ hội việc làm…”, ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phản ánh.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân cho rằng, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật nên được triển khai linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng dạng tật. Ngoài kỹ năng nghề, người khuyết tật nên được trang bị thêm các kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nhất là kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Dưới góc độ tuyển dụng lao động, ông Trần Trung Hiếu, đại diện thương hiệu TokyoLife cho biết, đơn vị đã phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tuyển dụng khoảng 60 người khuyết tật vào làm việc tại xưởng may và bán hàng tại các cửa hàng TokyoLife. Quá trình tuyển dụng cho thấy, người nào tự tin hòa nhập, người đó sẽ làm tốt công việc. Do đó, muốn nắm bắt cơ hội việc làm, trước hết mỗi người khuyết tật nên nỗ lực học tập, chủ động vượt lên hoàn cảnh.
Để giúp người khuyết tật tự vươn lên, cùng với các chính sách, giải pháp đã thực thi theo Kế hoạch 161/KH-UBND, ngày 21-2 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TƯ ngày 1-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 18-TT/TU ngày 23-12-2019 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Theo đó, các ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm trợ giúp người khuyết tật. Điểm mới của kế hoạch này là người khuyết tật được ưu tiên vay vốn ưu đãi để học nghề, tạo việc làm; những mô hình, tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật được khuyến khích thành lập, hoạt động…
“Với những giải pháp được triển khai đồng bộ, mang ý nghĩa tạo đòn bẩy, người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội sẽ có thêm cơ hội việc làm, tự tin hòa nhập, chủ động vươn lên. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần hiện thực hóa mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo trên địa bàn thành phố vào cuối năm 2020”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.