Xã hội

Giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn

Mai Hoa thực hiện 03/01/2024 - 07:39

Khẳng định trách nhiệm của cộng đồng và toàn xã hội trong việc quan tâm đến người yếu thế, trợ giúp người khuyết tật xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới đã nhấn mạnh cần làm tốt việc cấp giấy xác nhận khuyết tật để các chính sách hỗ trợ người khuyết tật được thực hiện hiệu quả.

day-nghe.jpg
Lớp dạy nghề may cho người khuyết tật do Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ phối hợp với một số đơn vị thực hiện.

Nghiên cứu mở rộng diện trợ cấp, hình thức trợ cấp

- Theo tổng hợp mới nhất của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, hiện nước ta có trên 7 triệu người khuyết tật. Tuy nhiên, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí mới đạt trên 1,6 triệu người. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Theo quy định tại Luật Người khuyết tật, người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế bao gồm người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng. Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì không hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong số trên 7 triệu người khuyết tật, có khoảng 28,9% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Như vậy, có thể thấy, con số trên 1,6 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí như hiện nay là rất đáng khích lệ, nhưng còn ít hơn so với nhu cầu thực tế.

- Để được hưởng trợ cấp, người khuyết tật phải được xác định mức độ khuyết tật tại hội đồng xác định mức độ khuyết tật phường, xã, thị trấn - nơi người khuyết tật cư trú. Ông có khuyến nghị gì để công tác này được thực hiện tốt hơn?

- Luật Người khuyết tật đã quy định rõ 6 dạng tật, gồm khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Đồng thời, xác định rõ 3 mức độ khuyết tật, gồm người khuyết tật đặc biệt nặng không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày; người khuyết tật nặng không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày; còn lại là người khuyết tật nhẹ.

Thực tế cho thấy, việc số lượng người khuyết tật được xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật chưa đạt tỷ lệ 100% chính là một trong các nguyên nhân khiến nhiều người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng… Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động của chính quyền cấp cơ sở trong công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật, qua đó, bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho người khuyết tật.

Về lâu dài, theo tôi, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật và các văn bản chính sách liên quan, chúng ta cần nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng mở rộng diện trợ cấp, hình thức trợ cấp đối với người khuyết tật mức độ nhẹ, hỗ trợ họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Tạo điều kiện để có việc làm bền vững

- Người khuyết tật có quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học tập và tiếp cận các dịch vụ khác phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật. Để trợ giúp người khuyết tật được hưởng các quyền này một cách thực sự hiệu quả, Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam sẽ tập trung các đầu việc trọng điểm nào trong thời gian tới?

- Một trong những vấn đề cần được tập trung tháo gỡ trong công tác trợ giúp người khuyết tật là phải tạo điều kiện cho họ được học nghề, có việc làm bền vững. Bởi trong số trên 7 triệu người khuyết tật hiện nay, có tới trên 60% người khuyết tật nằm trong độ tuổi lao động, nhưng số người được học nghề còn rất hạn chế, chỉ đạt chừng 30%. Đặc biệt, hầu hết việc làm của người khuyết tật thuộc diện không ổn định, chủ yếu là công việc trong làng nghề hoặc buôn bán nhỏ…

Luật Người khuyết tật quy định Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác. Nhưng thực tế cho thấy, các hoạt động đào tạo nghề miễn phí hiện nay còn ít, trong bối cảnh trợ giúp tài chính từ các tổ chức phi chính phủ ngày càng giảm, nếu có kinh phí cũng chủ yếu dành cho việc hỗ trợ kỹ thuật sửa đổi chính sách, rèn kỹ năng hòa nhập cho người khuyết tật. Trước tình hình đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng, thúc đẩy, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật. Thời gian tới, Liên hiệp sẽ phát huy vai trò là cầu nối giữa người khuyết tật và cộng đồng, là cánh tay nối dài của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những báo cáo đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến người khuyết tật, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.