(HNM) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, mục tiêu chung của ngành ngân hàng là tạo điều kiện tốt nhất để phát triển ngành thủy - hải sản, trong đó có những người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đội tàu có khả năng đánh bắt xa bờ…
Việt Nam có bờ biển trải dài 3.260km và trên 1 triệu kilômét vuông vùng đặc quyền khai thác trên Biển Đông với trữ lượng hải sản lớn và phong phú. Do vậy, phát triển kinh tế biển nhằm tạo điều kiện để ngành thủy sản phát triển nhanh và bền vững, khai thác tiềm năng thế mạnh góp phần nâng cao đời sống ngư dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng của Chính phủ đối với ngư dân, tuy nhiên việc cho vay phục vụ đánh bắt xa bờ đạt kết quả chưa cao do còn nhiều bất cập. Hoạt động đánh bắt xa bờ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như thiên tai, bị tàu nước ngoài bắt giữ… trong khi đó lại thiếu cơ chế cho vay, xử lý rủi ro đặc thù, công tác bảo hiểm cho tàu chưa được triển khai đồng bộ. Hiện nay, số lượng tàu cá có công suất lớn, có thể đánh bắt xa bờ có khoảng 28.248 chiếc, chiếm 24,5% tổng số tàu cá, còn lại chủ yếu là những tàu nhỏ đánh bắt gần bờ khiến một số ngư trường gần bờ đã bị khai thác quá mức. Việc đánh bắt xa bờ của ngư dân chủ yếu vẫn đơn lẻ, chưa hình thành các tổ đội sản xuất hỗ trợ nhau trên biển, giá trị đầu ra cho ngư dân chưa được bảo đảm. Những khó khăn trên làm giảm hiệu quả đầu tư tín dụng, tạo tâm lý e dè đối với các tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay.
Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh tổ chức lễ hạ thủy tàu cá vỏ thép mang tên Sang Fish 01. |
Tại hội nghị triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67/CP, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại nhà nước bố trí nguồn vốn và xây dựng kế hoạch triển khai để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Khi Nghị định 67/CP có hiệu lực (từ ngày 25-8-2014) các chính sách ưu tiên cho phát triển thủy sản sẽ khắc phục được những tồn tại trước đây, giúp ngư dân xây dựng đội tàu đánh bắt hiện đại đủ sức vươn xa bám biển.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển thủy hải sản, cũng như hỗ trợ kinh tế biển cho bà con ngư dân. Cụ thể, 5 năm qua ngành đã dành nguồn vốn tín dụng lớn cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhờ vậy năng suất, sản lượng thủy hải sản đạt hiệu quả khả quan. Hệ thống ngân hàng đã đầu tư vào hai sản phẩm thủy sản nổi tiếng của nước ta là cá tra, tôm xuất khẩu. Ngành cũng triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất - chế biến - tiêu thụ, có chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nuôi tôm, cá tra, trong đó có việc khoanh nợ (người vay không phải trả lãi) đối với những khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã chăn nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn…
Riêng lĩnh vực đánh bắt xa bờ, mặc dù chương trình tín dụng chưa đạt kết quả như mong muốn song cũng mang lại hiệu quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đó là phát triển được đội tàu đánh bắt xa bờ, giúp bà con ngư dân vươn khơi bám biển, bảo đảm cuộc sống hàng ngày. Mới đây, ngành đã chủ động đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho bà con ngư dân đóng tàu sắt có công suất lớn đánh bắt xa bờ, cũng như hoán cải các tàu gỗ nhằm nâng cao khả năng đánh bắt xa bờ. Các DN và cá nhân được vay vốn tới 70-95% tổng giá trị đầu tư với thời hạn vay vốn là 11 năm và lãi suất phải trả là 1-3%/năm, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù, NHNN chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện để bà con ngư dân, DN, hợp tác xã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, trên cơ sở đó giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Đại diện các ngân hàng cũng khẳng định, ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng người dân ra khơi, bảo vệ vùng biển đảo quê hương bằng việc triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.