Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp lao động nữ nhập cư ổn định cuộc sống

Hà Hiền| 23/08/2017 06:53

(HNM) - Vì nhiều lý do nên lao động nữ, nhất là lao động nữ nhập cư tại Hà Nội có nguy cơ mất việc làm tại các doanh nghiệp sau khi bước vào độ tuổi ba mươi. Thực tế đó cho thấy, ngoài những quyết định đúng đắn cho tương lai của chính mình, lao động nữ nhập cư rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Lao động nữ nhập cư tại Hà Nội được học nghề nấu ăn miễn phí.



Nguy cơ mất việc làm sau tuổi 30


Chị Nguyễn Thị D., 27 tuổi, người xã Hương Can, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, kể: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị xuống Hà Nội tìm việc. Làm công nhân tại một nhà máy trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chị D. hài lòng với công việc mang lại thu nhập vài triệu đồng/tháng. Nhưng, từ khi lấy chồng, sinh con, rồi chồng chị bị bệnh nặng và qua đời thì đồng lương công nhân chỉ bảo đảm được một phần nhu cầu tối thiểu của gia đình.

Từng bước vượt qua khó khăn, cuộc sống của mẹ con chị Nguyễn Thị D. bắt đầu ổn định thì cũng là lúc chị gần đến ngưỡng 30 tuổi. Ở độ tuổi này, vì rất nhiều lý do, doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng với lao động nữ nên chị D. và nhiều người khác có nguy cơ mất việc làm.

Theo chị Phan Thị Thu Hà, 33 tuổi, đến từ một xã miền núi thuộc tỉnh Nghệ An, chị làm công nhân cho một nhà máy chuyên gia công thô các thiết bị cơ khí tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long từ năm 2004 đến nay và đang đứng trước nguy cơ mất việc làm. “Tôi thấy tình trạng các doanh nghiệp thanh lọc công nhân sau 30 tuổi diễn ra khá phổ biến. Tuyển lao động trẻ, công ty phải trả lương và các chế độ trợ cấp cho công nhân ít hơn, trong khi năng suất lao động cao hơn, cho nên chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý bị thất nghiệp”, chị Hà cho hay.

Những trường hợp kể trên là ví dụ điển hình cho việc hàng nghìn nữ công nhân nhập cư tại Hà Nội đứng trước nguy cơ mất việc làm sau tuổi ba mươi. Tình trạng này đã được Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo động sau cuộc điều tra về tình hình sử dụng lao động trong tháng 5-2017. Theo đó, sau khi bị sa thải, 43,1% công nhân làm công việc tự do; 17,2% làm công việc buôn bán; số còn lại làm nội trợ, nông nghiệp hoặc bán hàng rong… Đối với lao động nữ, 82,6% số người mất việc làm đi bán hàng rong hoặc làm các công việc tự do khác. Còn kết quả khảo sát đối với nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh do Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy, hơn 80% số người được hỏi cho biết công việc hiện tại không giúp họ có nghề ổn định sau khi nghỉ việc; hơn 50% không thích công việc hiện tại; 75% bày tỏ mong muốn có công việc mới nhưng bản thân chưa biết phải làm gì.

Đồng hành cùng lao động nữ nhập cư

Vì nhiều lý do, đa số lao động nữ nhập cư sau khi mất việc làm vẫn ở lại Hà Nội. Vốn thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tế nên rất nhiều người phải làm những công việc tạm bợ, sống cảnh thiếu thốn.

Giúp lao động nhập cư có cuộc sống ổn định hơn, những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể huyện Đông Anh đã tạo điều kiện cho lao động nhập cư được thuê nhà trọ với giá rẻ, hỗ trợ cho con công nhân tới trường, nhưng do số lượng người nhập cư quá đông nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh cho hay, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đóng trên địa bàn huyện sử dụng khoảng hơn 50 nghìn lao động thì 90% là người đến từ các địa phương khác. Xã Kim Chung có hơn 30 nghìn dân cư trú thì có tới 18 nghìn người nhập cư, 60% trong số đó là nữ. Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ Đông Anh đã đồng hành cùng lao động nữ thông qua việc hỗ trợ thông tin về nhà ở, trường học, tư vấn tâm lý,… nhưng vẫn chưa thể giúp lao động nữ có công việc ổn định.

Tương tự huyện Đông Anh, các địa phương có nhiều khu công nghiệp cũng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, dân sinh cần giải quyết, đặc biệt với lao động nữ nhập cư.

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã tạo điều kiện để Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện thí điểm dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” (dự án) tại huyện Đông Anh. Triển khai từ tháng 11-2016 đến tháng 6-2019, dự án cung cấp thông tin, tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập cho khoảng 2.000 phụ nữ nhập cư trong độ tuổi 18-30 tại huyện Đông Anh, trong đó khoảng 800 người được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp để có thể tìm được những công việc ổn định trong tương lai. Bà Sharon Kane, Giám đốc Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, sau gần 1 năm triển khai, dự án đã giúp hơn 200 lao động nữ nhập cư học nghề (miễn phí) nấu ăn, trang điểm, bán hàng,… tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long. Đa số học viên đã được các doanh nghiệp cam kết nhận vào làm lâu dài sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy việc thành lập mạng lưới doanh nghiệp cam kết tạo việc làm bền vững và bình đẳng giới cho phụ nữ nhập cư; kêu gọi cộng đồng, chủ nhà trọ, doanh nghiệp… chung tay xây dựng môi trường sống, làm việc an toàn, bình đẳng đối với lao động nữ…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều lao động nhập cư mong muốn dự án được mở rộng, giúp họ có cơ hội tìm được việc làm ổn định. Đại diện chính quyền một số địa phương khẳng định, khi có sự phối hợp từ nhiều phía, những vấn đề xã hội nảy sinh tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp sẽ từng bước được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp lao động nữ nhập cư ổn định cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.