Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp các thế hệ trẻ hiểu và yêu lịch sử

Hạ Yến| 12/06/2022 06:13

(HNMCT) - Những tranh luận xoay quanh đưa lịch sử thành môn học tự chọn trong nhà trường bậc trung học phổ thông dẫn đến câu hỏi được nhiều người đặt ra: Vì sao học sinh không thích môn lịch sử? Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó có phần nguyên nhân liên quan tới sự thiếu vắng tác phẩm văn học nghệ thuật về lịch sử dành cho thiếu nhi.

Tiểu thuyết “Cha và con”, tác phẩm văn học lịch sử dành cho thiếu nhi của nhà văn Hồ Phương.

Dù đối tượng độc giả là người lớn hay trẻ em, rõ ràng là những câu chuyện lịch sử được kể bằng ngôn ngữ văn chương, tranh vẽ hay thước phim sống động sẽ cuốn hút hơn rất nhiều so với một trang chính sử nhiều số liệu và dữ kiện. Chính phần tình cảm, nghĩ suy, thân phận của nhân vật lịch sử trong các tác phẩm văn học đã trở thành gia vị giúp cho “món ăn lịch sử” trở nên “ngon” hơn, dễ tiếp nhận, dễ nhớ.

Nhân vật Trần Quốc Toản là một ví dụ. Sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” trên lá cờ thêu của người anh hùng thiếu niên từng bóp nát quả cam ấy là hình ảnh còn đọng lại rất lâu trong lòng nhiều thế hệ độc giả từng say mê “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đã hơn 60 năm kể từ khi ra mắt bạn đọc, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” vẫn là tác phẩm đỉnh cao trong dòng văn học lịch sử viết cho thiếu nhi, cho đến nay đã được NXB Kim Đồng tái bản rất nhiều lần.

Tương tự là “Sao Khuê lấp lánh” của nhà văn Nguyễn Đức Hiền, “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, hay “Trên sông truyền hịch” của nhà văn Hà Ân. Ở đó, điều mà độc giả đọc được không phải là tiểu sử nhân vật, mà họ bị hấp dẫn, cảm động bởi những cảnh huống, những câu chuyện xoay quanh mối quan hệ vua tôi, thầy trò, gia đình, anh em, bè bạn của nhân vật lịch sử.

Nhà văn Sơn Tùng từng khẳng định: “Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời”. Nhân vật lịch sử sẽ là một hình ảnh rất xa xôi nếu các lớp học sinh chỉ được tiếp cận, kính ngưỡng từ góc độ của một anh hùng; ngược lại, hình ảnh sẽ gần gũi biết bao nhiêu khi người đọc chợt nhận ra người anh hùng ấy thuở còn thơ cũng có yêu có ghét, có buồn có vui, có nghịch ngợm, mải chơi như vô vàn những đứa trẻ khác trên đời. Chỉ có văn học nghệ thuật mới có thể làm cho nhân vật lịch sử “sống lại” trong lòng độc giả, đặc biệt là các độc giả nhỏ tuổi.

Cho đến nay, đã có khá nhiều tác phẩm văn học lịch sử dành riêng cho thiếu nhi. Có thể kể tới “Chị Sáu ở Côn Đảo”, “Khúc hát vườn trầu”, “Sừng rượu thề”, “Kim Đồng”, “Chuyện kể về Trần Phú”, “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”, “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”, “Sống như anh”, “Những sư tử non”... Một số tác giả dành nhiều sự quan tâm cho mảng văn học lịch sử viết cho thiếu nhi như nhà văn Hà Ân với “Người Thăng Long”, “Khúc khải hoàn dang dở”, “Trên sông truyền hịch”, “Bên bờ Thiên Mạc”, “Trăng nước Chương Dương”; nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với “Kể chuyện Quang Trung”, “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”; nhà văn Tô Hoài với “Chuyện nỏ thần”, “Nhà Chử”, “Đảo hoang”; nhà văn Sơn Tùng với “Búp sen xanh”, “Từ làng Sen”...

Số lượng tác phẩm không ít, nhưng rõ ràng so với bề dày lịch sử đất nước cũng như so với các dòng sách khác thì văn học lịch sử viết cho thiếu nhi vẫn còn khá khiêm tốn. Đa phần đều là những tác phẩm viết từ thế kỷ trước, nay được tái bản. Có lẽ bởi văn học về lịch sử không dễ viết, nó đòi hỏi nhà văn phải kỳ công “ngụp lặn” trong bể tài liệu chính sử cũng như dã sử, rồi bồi đắp xây dựng thêm để làm sao sử vẫn phải là sử, đảm bảo chính xác và chân thực, nhưng trong sử phải có văn để hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Hơn thế, viết văn học sử cho thiếu nhi thì phải chọn được những câu chuyện, những chi tiết và ngôn ngữ phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, đó là điều không dễ dàng.

Thực tế, có những nhân vật được “văn học hóa” nhiều hơn, bởi lịch sử ghi chép lại những tình tiết về họ khá ấn tượng, dễ tạo thành “chuyện”, thành điểm nhấn hấp dẫn. Khi xuất bản tiểu thuyết “Cha và con”, nhà văn Hồ Phương từng tâm sự rằng ông rất muốn viết được một chút gì về Bác: “Tôi không đến nỗi quá ngần ngại là đã có nhiều người viết về Bác. Bởi cứ nghĩ, trong văn chương, mỗi người đều có suy nghĩ riêng, rung động cùng sáng tạo nghệ thuật cũng riêng. Mọi sự trùng lặp về tài liệu không bao giờ có thể giết chết được cảm hứng cùng những khám phá hoặc phá bỏ những cái nhìn khác nhau của tác giả”.

Theo nhà văn Hồ Phương, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của mỗi tác giả luôn là phần hồn chủ yếu của các cuốn sách. Cũng chính vì vậy, luôn có sự khác biệt giữa cuốn này với cuốn kia, và do đó mỗi cuốn vẫn có thể có chỗ đứng riêng, đóng góp riêng để góp phần làm giàu thêm hiểu biết, nhất là sự rung động về những chủ đề lớn hoặc nhân vật lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp các thế hệ trẻ hiểu và yêu lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.