(HNMCT) - Cho đến giờ, văn học hiện đại viết về lịch sử đã có những tên tuổi tác giả - tác phẩm đủ sức làm nên một dòng chảy, một khuynh hướng, trào lưu. Điều gì khiến các nhà văn đương đại chọn lịch sử như một cảm hứng, một đề tài cho sáng tác của mình? Ngay tại đây, những câu hỏi tưởng như đã cũ lại trở về chất vấn chúng ta: Viết để làm gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?
Lịch sử như một nguồn cảm hứng
Nhìn lại những tác phẩm văn học hiện đại về đề tài lịch sử, có thể thấy cho đến nay số lượng không phải là ít ỏi. Kiểm kê theo trí nhớ, dù có lẽ chưa thực sự đầy đủ và không theo trình tự cụ thể, chúng ta có Nguyễn Huy Tưởng với các tiểu thuyết "Đêm hội Long Trì", "An Tư công chúa", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"...; Hà Ân ("Tướng quân Nguyễn Chích", "Quận He khởi nghĩa", "Bên bờ Thiên Mạc", "Trăng nước Chương Dương", "Người Thăng Long"... - tiểu thuyết); Nguyễn Xuân Khánh ("Hồ Quý Ly", "Đội gạo lên chùa" - tiểu thuyết); Nguyễn Huy Thiệp ("Kiếm sắc", "Vàng lửa", "Phẩm tiết" - truyện ngắn); Hoàng Quốc Hải ("Tám triều vua Lý", "Bão táp triều Trần" - tiểu thuyết); Lưu Sơn Minh ("Trần Quốc Toản", "Trần Khánh Dư" - tiểu thuyết); Trần Thanh Cảnh ("Đức Thánh Trần" - tiểu thuyết), Bùi Việt Sỹ ("Con chim ưng và chàng đan sọt" - tiểu thuyết); Nguyễn Thế Quang ("Thông reo Ngàn Hống" - tiểu thuyết); Phùng Văn Khai ("Phùng Vương", "Ngô Vương" - tiểu thuyết); Nguyễn Đình Tú ("Bãi săn" - tiểu thuyết fantasy pha trộn huyền sử, dã sử); Đỗ Tiến Thụy ("Mộng Thám hoa" - truyện ngắn); Uông Triều ("Sương mù tháng giêng" - tiểu thuyết); Nguyễn Thị Kim Hòa ("Con chim phụng cuối cùng" - tập truyện ngắn lịch sử); Nguyệt Chu ("Người canh giữ phù dung" - tập truyện ngắn lịch sử); Trần Thị Tú Ngọc ("Chiều Cổ Loa nổi gió" - truyện ngắn); Lê Vũ Trường Giang ("Ngủ giữa trùng sơn" - tập truyện ngắn lịch sử); Triều La Vỹ ("Hoàng Mai Tửu" - truyện ngắn); Trần Vũ ("Phép tính của một nho sĩ" - truyện ngắn); Phạm Hữu Hoàng ("Nguyệt Cầm" - truyện ngắn)...
Danh sách có thể dài hơn, nhưng công chúng có lẽ sẽ đồng tình rằng, những tên tuổi ở trên đang được chú ý trong đời sống văn chương đương đại. Vấn đề đặt ra là, tại sao lại có hiện tượng văn học viết về lịch sử? Cụ thể hơn, tại sao nhà văn đương đại lại chọn lịch sử như một cảm hứng, một đề tài cho sáng tác của mình?
Có thể, trong ý niệm của mình, nhà văn viết về lịch sử để chiêm ngưỡng lại quá khứ, để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, để làm sáng tỏ các góc mờ khuất của quá khứ, từ đó văn chương như một gợi ý, một sự bổ sung, can dự (đầy nghệ thuật) vào việc đánh giá, nhìn nhận lại quá khứ. Cũng trong ý niệm của mình, văn học viết về lịch sử gợi lên cái tiền đề của hiện tại, mượn xưa để nói nay, lịch sử như cái cớ, như biểu tượng gửi gắm suy tư về hiện tại, về sự tồn tại, lẽ hưng phế của các giá trị qua thời gian. Lịch sử là cái đã qua, nhưng văn chương viết về lịch sử luôn gắn với hiện tại, bởi người kể chuyện và người nghe chuyện đều là người của hôm nay (ý của Lukács Gyorgy khi bàn về Chân lý lịch sử).
Sự nở rộ của trào lưu viết về lịch sử cho thấy sự quan tâm của các nhà văn đến quá khứ dân tộc. Điều đó nói lên những bận tâm sâu xa, những trăn trở cốt thiết, những hoài nghi hay tin tưởng mãnh liệt trước các giá trị lịch sử. Tính chất mơ hồ của quá khứ - nhất là quá khứ xa, sự vây bọc của thời gian, sự chi phối của diễn ngôn thời đại, thể chế, chính trị, văn hóa... đã tạo nên một quá khứ không hề dễ dàng để minh định hay xác quyết. Đó là cơ hội, là cảm hứng vẫy gọi nhà văn.
Đọc các tác phẩm văn học viết về lịch sử, từ cái nhìn loại hình (Văn học) đến cái nhìn thể loại (Tiểu thuyết, Truyện ngắn), chúng ta có cơ hội tiệm cận với những phiên bản lịch sử khác, đầy hào khí của những thời đại anh hùng đánh giặc giữ nước, những võ công oanh liệt của tiền nhân, những tấm gương anh hùng hào kiệt làm nên đại nghiệp kiến quốc, kinh bang tế thế. Nhưng, cũng tại đó, chúng ta được tiếp xúc với những cuộc đời rất đỗi con người, những đàn ông, đàn bà, những trẻ trai cường tráng và căng đầy huyết sống. Từ bậc vương tôn công tử, lá ngọc cành vàng đến thứ dân manh lệ, từ điện ngọc lầu son đến thôn cùng xóm vắng... đều là con người với tất cả cung bậc xúc cảm, nhu cầu và trải nghiệm sống thường nhật. Văn chương đem lại cho chúng ta cái nhìn gần hơn, đời hơn, và cũng vì thế mà tường tận hơn những ngõ ngách của quá khứ. Như thế, văn chương viết về lịch sử có thể nói là một động hướng, một trào lưu rất đáng kỳ vọng trong đời sống đương đại. Bằng hình thức nghệ thuật ngôn từ, lịch sử tái sinh trong những cảm thức, cảm hứng tươi mới hơn.
Không phải ai cũng có thể viết về lịch sử
Văn chương viết về lịch sử tự nó không phải là lịch sử và nó không có nhiệm vụ nhất thiết phải chồng khít với lịch sử. Những lan tỏa của hư cấu gợi lên từ truyền thuyết, dã sử, giai thoại, thần thoại... khiến quá khứ được hình dung sinh động hơn, chí ít là hướng đến việc phục hoạt những tưởng tượng về sự kiện, con người sau lớp màn nhiều biến ảo của thời gian. Nhưng, nhà văn trở về quá khứ như thế nào và điều gì giúp họ đến được với những điều còn ẩn sâu trong bóng tối của lịch sử?
Thực ra, cái mà chúng ta gọi là lịch sử đã ngầm nói lên “sự bất lực” của sử gia trong việc tái hiện quá khứ. Bởi vậy, khoảng trống còn lại là cơ hội của nhà văn. Nhưng, cái bẫy nằm ngay phía bóng tối, nơi mà lịch sử đã ngưng lại. Một số nhà văn vẫn loanh quanh để rồi tô vẽ hay diễn giải thêm những gì lịch sử đã ấn định - dù có thể đó cũng chưa hẳn là thực sử. Những người khác, hăm hở hơn với một sự dại dột đáng yêu, lao vào bóng tối bằng niềm tin vào khả năng và sứ mệnh của hư cấu - vốn được xem như phép thuật của văn chương. Động thái ấy không phải không đem lại hệ lụy cho nhà văn.
Điểm dừng lại của sử gia là điểm bắt đầu của nhà văn. Việc khảo cứu, dò xét tường tận nhất (có thể) về lịch sử khiến cho sự hư cấu không phải là hành vi hăm hở một cách dại dột hay sự tự mãn vô lối vào sứ mệnh của tưởng tượng. Nhà văn viết về lịch sử, hư cấu lịch sử trên nền tảng thấu hiểu giới hạn cũng như những khả năng - mù mờ của lịch sử. Đề xuất khả năng của lịch sử khác với bịa tạc. Sự hư cấu nghệ thuật hiểu rõ giới hạn của nó. Như thế, một suy luận ngay tại đây là không phải ai cũng có thể viết về lịch sử. Một mảnh vỡ từ quá khứ cần được soi xét dưới góc nhìn của các khoa học trước khi có thể trở thành vật liệu trong một cấu trúc nghệ thuật.
Giới hạn của hư cấu nằm ở đó, chưa kể những đường biên có thể được vượt qua hoặc không về mặt thời đại, dân tộc, truyền thống hay tín ngưỡng...
Chính trong hệ quy chiếu này, văn chương viết về lịch sử không cần thiết phải hướng đến việc mô tả lịch sử (việc của các sử gia), nó cũng không dành cho những người chỉ nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng tùy tiện hay sự hời hợt với quá khứ, càng không dành cho những kẻ cơ hội ăn bám vào sự kiện, nhân vật của đời xưa (có người đã băn khoăn về việc, phải chăng, lịch sử là cái phao cho những người nghèo nàn vốn sống). Nhiều người nhắc lại câu nói quen thuộc của A. Dumas - “Lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo bức tranh của mình”, như một điểm tựa về mặt quan điểm. Họ muốn nhấn mạnh đến bức tranh của trí tưởng tượng, hư cấu mà vô tình quên mất rằng, cái đinh vẫn là điều cần được ý thức một cách liên tục, xuyên suốt. Tất cả sẽ đổ ụp xuống khi nhà văn đắp điếm, thêm thắt, tô trát quá nhiều vào bức tranh hư cấu.
Văn chương viết về lịch sử, có thể một vài khía cạnh nào đó sẽ góp phần soi sáng quá khứ, nhưng ở phần chính yếu, trong tư cách nghệ thuật (không phải lịch sử), văn chương vẫn phải phô bày vẻ đẹp thẩm mỹ, những thông điệp về nhân sinh, nghệ thuật, tư tưởng gợi lên từ quá khứ. Trong tổng thể của một cộng đồng, dân tộc, văn chương viết về lịch sử không nhằm minh định lịch sử mà nhằm tạo ra những khả năng, hướng đến việc kiến tạo giá trị, bản sắc, cho thấy tầm vóc văn hóa, tư tưởng của dân tộc trên hành trình từ quá khứ đến hiện tại cùng khả năng hiện diện ở tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.