(HNM) - Trao học bổng khuyến học, khuyến tài là việc làm thường xuyên của Hội Khuyến học Hà Nội trong suốt gần 20 năm qua, kể từ ngày thành lập...
Hội Khuyến học Hà Nội trao học bổng cho học sinh là người dân tộc vượt khó học giỏi tại huyện Ba Vì. Ảnh: Phan Lạc Sắc |
Vượt khó học tốt, lao động giỏi
Ngày 2-6-2017, lần đầu tiên lễ trao học bổng cho các đối tượng là người dân tộc ở khu vực miền núi của Thủ đô diễn ra tại Ba Vì. Đó là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy khí thế học tập, lao động sản xuất của người dân miền núi. Nói về ý tưởng này, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cho biết: Hà Nội có 14 xã miền núi thuộc 5 huyện ở Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc động viên, khích lệ tinh thần vượt khó của đồng bào dân tộc là cần thiết. “70 học sinh và 30 người lao động vượt khó được nhận học bổng khuyến học, khuyến tài năm 2017 chỉ là một phần nhỏ trong số 45 nghìn người đang sinh sống tại 14 xã miền núi. Song, đây sẽ là những hạt nhân nhen lên ngọn lửa hăng say học tập, vượt qua khó khăn để xây dựng bản làng giàu đẹp” - bà Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ.
Hầu hết học sinh được chọn để trao học bổng khuyến học năm nay đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, song vẫn vươn lên đạt kết quả cao trong học tập. Câu chuyện của em Phùng Thị Thu Hương (Trường THCS Yên Bài A, xã Yên Bài, huyện Ba Vì) khiến không ít người cảm phục. Bố mẹ tàn tật, sống ly thân, cuộc sống của ba mẹ con chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ, chăm sóc của bà ngoại vốn đã tuổi cao, nghèo khó. Thương bà, mẹ và thương em chịu nhiều thiệt thòi, cô bé Phùng Thị Thu Hương luôn nghĩ phải cố gắng học thật giỏi để lớn lên có thể tìm được việc làm tốt, có thu nhập ổn định nhằm giúp đỡ gia đình. Từ một học sinh tiên tiến, em vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi, liên tục giành giải trong các cuộc thi cấp huyện về xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, về bạo lực học đường, lịch sử…
Là một trong số những điển hình người dân tộc Dao (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) được thừa hưởng kinh nghiệm quý về nghề thuốc nam của cha ông, bà Đinh Thị Luyến (68 tuổi) vẫn cố gắng học hỏi từ các thành viên của Hội Đông y thành phố. Bà tích cực hỗ trợ bà con trồng và làm ra nhiều bài thuốc quý, giúp những người dân tộc Dao ổn định về kinh tế. “Tôi cố gắng học nghề thuốc trước tiên là để giúp mình, giúp mọi người khi ốm đau. Khi đã có kinh nghiệm làm thuốc, tôi và bà con cùng hỗ trợ nhau phát triển thành nghề kinh tế mũi nhọn của thôn. Đến giờ, cả thôn Yên Sơn đã được công nhận là làng làm nghề thuốc. Thu nhập bình quân của bà con trong thôn đủ để xây nhà, mua xe máy, sắm ti vi...” - bà Đinh Thị Luyến phấn khởi nói.
Những người đồng hành
Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TƯ, ngày 13-4-2007, của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, 10 năm qua, Hội Khuyến học Hà Nội đã tích cực xây dựng nhiều mô hình học tập, phấn đấu đến năm 2020 Hà Nội trở thành Thành phố học tập. Từ những nỗ lực ấy, năm 2016, toàn thành phố có 51% số gia đình được công nhận gia đình học tập, 51% số đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp được công nhận đơn vị học tập; 58% số thôn, bản, tổ dân phố được công nhận cộng đồng học tập.
Theo đánh giá của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Hà Nội là đơn vị nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ tiêu xây dựng mô hình học tập. Hà Nội cũng là địa phương khơi nguồn phong trào khuyến học, khuyến tài. Đây là căn cứ để Hà Nội vững bước trên chặng đường xây dựng Thành phố học tập.
Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại Hà Nội là chủ trương lớn, nhận được sự đồng hành của nhiều lực lượng xã hội. Để có nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm động viên, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, những người làm công tác khuyến học của thành phố luôn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân. Ông Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TP Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các đơn vị trong khối dành sự quan tâm thiết thực để hỗ trợ học sinh dân tộc nói riêng, học sinh khó khăn trên địa bàn thành phố nói chung với tinh thần xây dựng nguồn nhân lực dồi dào, phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô.
Là một trong những người đồng hành với hoạt động khuyến học, khuyến tài của thành phố, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho biết, ngoài mục đích chia sẻ khó khăn trong học tập của học sinh, hỗ trợ người lao động nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, ông mong muốn tạo động lực, làm thay đổi nhận thức cho chính những thành viên của đơn vị mình về việc phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, từ đó ứng dụng kiến thức vào cuộc sống để tăng năng suất lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.